Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Nói Với Người Cộng Sản 02.06.2013

============================================================
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua giọng đọc của Dian ".
Kính thưa quí thính giả, thưa quí vị đảng viên lâu năm, thưa các bạn công an, bộ đội,
Ngày 26 tháng 05 vừa qua có một vụ bắt giữ gây xôn xao dư luận. Đó là việc an ninh Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp cựu nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang blog "Một góc nhìn khác". Điều đáng kể là ông Trương Duy Nhất, 49 tuổi, đã từng là phóng viên cho các báo nhà nước như báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng và báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Trương Duy Nhất sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng theo đảng Cộng sản. Sau khi nghỉ làm báo nhà nước, ông Nhất đã chuyên tâm vào việc viết blog cá nhân với nhiều bài phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều lần chỉ trích đích danh các lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo thông tin ban đầu, ông Trương Duy Nhất đang bị khép vào tội trạng "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", điều 258 Luật Hình sự.
Trên không gian mạng và trên các báo chí nhà nước có những quan điểm cho rằng việc bắt ông Trương Duy Nhất là đúng vì ông đã xúc phạm cá nhân lãnh đạo, thậm chí coi thường cả lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi đọc lại các bài viết của ông Trương Duy Nhất chúng ta có thể thấy ông Nhất thường có thái độ rất bức xúc với chính thể hiện nay, ngôn từ của ông thường ngắn gọn, thẳng thắn, mạnh mẽ và không ngại ngần dùng nhiều từ có tính chỉ trích, mắng chửi những nhân vật cao cấp của đảng Cộng sản. Nhưng dưới góc độ quyền con người và luật pháp dân chủ, hành vi của ông Nhất có vi phạm luật hay không?
Thưa quí vị và các bạn công an, bộ đội, chính thể hiện nay tức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đồng ý cam kết thực hiện nhiều công ước và các qui định quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc. Trong Công ước này, Điều 19 đã chỉ rõ rằng: "Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào."
Ngay điều 69 trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng ghi rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí..."
Như vậy, việc ông Trương Duy Nhất chỉ trích hay phê phán gay gắt, thậm chí thóa mạ các lãnh đạo của đảng Cộng sản, kể cả lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ là việc bày tỏ quan điểm, chỉ là vấn đề tự do ngôn luận, do vậy không ai có quyền can thiệp vào quan điểm và ngôn luận của ông Nhất và sự an toàn của ông Nhất cần phải được bảo vệ để ông có thể tiếp tục bày tỏ quan điểm và thực hiện ngôn luận. Vì vậy việc bắt giữ ông Trương Duy Nhất là hành vi đi ngược với cam kết của Nhà nước Việt Nam hiện nay trong việc tuân thủ Công ước quốc tế về quyền con người và đồng thời chà đạp lên chính bản Hiến pháp hiện hành.
Thứ nữa, xét dưới góc độ luật học, điều 258 Luật Hình sự "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" là một điều luật vô lý và mù mờ. Vô lý vì ngay ba chữ đầu tiên "Tội lợi dụng" của điều luật này đã tự chứng tỏ đây là một điều luật không có cơ sở. Bởi bản chất của các "quyền tự do dân chủ" đã bao hàm ý nghĩa ở việc người dân có toàn quyền sử những quyền đó, bất kể cho mục đích nào. Vì vậy việc sử dụng các quyền tự do dân chủ dù cho mục đích riêng tư hay cho lợi ích xã hội không thể là một hành vi phạm tội. Vì vậy không thể có tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Mặt khác, điều luật kể trên rất mù mờ bởi chữ "lợi dụng" – một ngôn từ mang ý nghĩa chủ quan, áp đặt. Vì cùng một hành vi chúng ta không thể phân biệt được liệu đó là "lợi dụng" hay "sử dụng". Còn nếu trong khi thực hiện các quyền tự do dân chủ một cá nhân gây phương hại đến quyền lợi, tinh thần hay vật chất, đối với một cá nhân khác hay một tổ chức khác, ví dụ như khi một người đi biểu tình đã vô tình hoặc cố ý làm hỏng một chiếc xe ô-tô hay khi phát biểu ý kiến đã đưa ra những thông tin không chính xác thì những hành vi làm hỏng ô-tô hay nêu ra thông tin lệch lạc đó là những hành vi sai phạm cần phải được xem xét riêng rẽ chứ không thể qui cho việc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Nguyên tắc của luật học hình sự là xem xét các hành vi, hậu quả cụ thể chứ không đoán định và suy diễn chủ quan.
Ngoài ra dưới góc độ dân chủ, ông Trương Duy Nhất với tư cách là một công dân và một cử tri – tức là người chủ đất nước, người đóng thuế chu cấp cho các công chức nhà nước kể các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam – có toàn quyền phê phán kẻ làm thuê, làm đầy tớ cho mình. Cứ như lẽ sống đời thường thì một người chủ phê phán, chỉ trích, mắng mỏ kẻ làm công, kẻ làm thuê vừa bất tài lại còn lười biếng, gian dối và trộm cắp là một việc thường tình
Có lẽ điều chúng ta đáng tiếc là ông Trương Duy Nhất, và cả chúng ta nữa, chưa đủ sức mạnh để đuổi việc, phế truất hay trừng phạt những kẻ đầy tớ đã tham lam lại còn hỗn láo và ngang ngược nữa. Nhưng để có được sức mạnh đó những tiếng nói và sự dũng cảm như của nhà báo Trương Duy Nhất là hết sức cần thiết.
Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
(02/06/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét