Báo chí tư nhân ở Việt Nam vẫn không được cho phép, trong khi có vẻ như trên Internet thì lại có tự do nói năng hơn. Thử tìm nguyên nhân nằm ở sự tiếp cận Internet của người Việt Nam.
Vai trò của Internet
Ảnh hưởng của công nghệ thông tin lên sự phát triển của truyền thông là điều hiển nhiên. Thông tin nay được đưa đến người đọc, người nghe vô cùng nhanh chóng. Công nghệ thông tin có khi làm chết cả một phần của ngành báo in lâu đời hàng trăm năm. Các trang mạng, báo online lại biến những cá nhân có cơ hội tiếp cận với thế giới mạng trở thành những nhà báo công dân tự do. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với các xã hội mà ở đó có sự kiểm duyệt thông tin hà khắc. Thậm chí trong cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập mạng thông tin internet đã đóng vai trò vô cùng lớn lao.
Nhà báo Mỹ gốc Việt Andrew Lam nói rằng Internet đã giúp các trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam và Trung quốc giành lại không gian phát biểu cho mình,
Tôi thấy internet là một khoảng không gian công mà người Việt Nam đang dành được để có thể có tự do ngôn luận, trên mạng thì người ta có thể nói lên cái thật.
Các nhà báo trong nước cũng rất hy vọng vào sự phát triển của Internet sẽ giúp cho tự do ngôn luận phát triển ở Việt nam, hướng đến một không gian tranh luận đa chiều, không chỉ gò trong khuôn khổ của Ban tuyên huấn trung ương của đảng cộng sản. Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh phát biểu,
May mà còn có Internet nên người dân mới có cơ hội phát biểu quan điểm của mình mà truyền thông của đảng không bao giờ đăng.
Bây giờ ai đọc báo in nữa đâu! Ở nông thôn người ta cũng có internet cơ mà.
-Nhà báo Trương Duy Nhất
Nhà báo Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng, chủ của trang Blog Một góc nhìn khác cũng rất hào hứng với vai trò của Internet trong truyền thông. Theo anh thì các trang mạng, được phép hay không phép vẫn chính là những tờ báo, mà vai trò của nó rất tích cực, hữu ích hơn các cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản kiểm soát. Anh nhận định về số lượng độc giả của báo in và báo online như sau,
Bây giờ ai đọc báo in nữa đâu! Ở nông thôn người ta cũng có internet cơ mà.
Có thể vì lý do đó, mà nhiều báo online và trang mạng không do chính phủ Việt nam kiểm soát hay bị ngăn chặn bằng nhiều cách, mặc dù họ chưa bao giờ thừa nhận mình làm việc đó, và họ rất bực bội khi bị tổ chức phóng viên không biên giới xếp vào nhóm kẻ thù với tự do Internet.
Tuy thế vẫn có những trang mạng không do chính phủ Việt Nam làm ra mà vẫn được người đọc trong nước truy cập được. Từ những trang do người trong nước làm như trang của anh Nhất, trang Bauxite, hay những trang của các hãng truyền thông nước ngòai thực hiện. Trong khi đó báo in thì tuyệt đối không được phép. Nếu nói rằng lý do kỹ thuật không cho phép cơ quan kiểm duyệt của đảng cộng sản kiểm sóat được báo mạng một cách triệt để như báo in thì cũng đúng phần nào, chẳng hạn như các mạng do người bên ngòai Việt Nam thực hiện. Nhưng với kiểu cách luật pháp như ở Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam hòan tòan có thể bắt những người trong nước im lặng bằng nhiều cách. Nhưng những trang mạng do người trong nước thực hiện, có khi đưa những tin mà đảng không ưa thích, vậy mà vẫn tồn tại. Câu trả lời có thể nằm ở cơ cấu dân số Việt Nam.
Internet nông thôn
Việt Nam vẫn đang là một quốc gia nông nghiệp với hơn 70% dân số là nông dân. Các nông dân này vẫn chưa tiếp cận với internet, vì lý do tài chính lẫn kỹ năng. Có lẽ anh Trương Duy Nhất sẽ không đồng ý với câu trả lời này, khi anh cho rằng ở nông thôn bây giờ đã có Internet tốc độ cao, và nông dân đọc báo mạng nhiều hơn.
Trong một phóng sự của chúng tôi về Internet ở nông thôn, chúng tôi được nghe như sau từ các nông dân,
Người dân không quan tâm, nông dân đi làm quần quật suốt ngày, tối về thì xúm quanh cái TV, xem thời sự giây lát rồi còn đi ngủ để sáng đi làm. Hơn nữa kiến thức người ta còn thấp lắm thành ra không tiếp cận cái đó, người ta cho là nó không cần thiết cho đời sống. Thực tế dịch vụ rất tốt, mình chỉ cần đăng ký là họ tới nhà lắp ráp đường dây dẫn tới nhà cho mình, chỉ vài tiếng đồng hồ là có, như trường hợp tôi nhanh lắm. Mình có thể lựa chọn nhà mạng này nhà mạng nọ, nhưng ít người xài lắm. Giá dịch vụ cũng là một vấn đề, giá mỗi tháng 90.000 đ còn truy cập dung lượng đến đâu trả đến đó, ít nhất 200.000 đ/tháng.
Mấy anh đó kéo internet về địa phương, mình hỏi vào internet mỗi tháng phải đóng bao nhiêu? Họ nói 380.000đ/tháng…nông dân thu nhập quá thấp, giá này nông dân xài không nổi…để tiền sử dụng việc khác. Nếu internet cho nông dân từ 100.000đ/tháng trở xuống thì còn có nhà dám xài. Nói chung nhiều thứ lắm điện nước, điện thoại các cái tính ra nhiều lắm.
Có thể là anh Trương Duy Nhất lạc quan với số lượng người truy cập vào trang mạng của anh, và quan sát của anh rằng Internet có mặt ở cả các vùng quê Việt Nam là đúng. Nhưng cũng dễ dàng xác nhận rằng bài tóan đơn giản của người nông dân mà chúng tôi nêu ra trên kia là chính xác. Trong khi đó một tờ báo giấy rẻ hơn nhiều và có thể chuyền tay cho rất nhiều người đọc. Và ngay cả khi các tờ báo thay đổi cuộc đời của nó khi biến thành giấy gói hàng, nó vẫn còn có vai trò truyền thông đến những người nông dân tò mò, thích chữ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Việt Nam hiện tại cứ nhất quyết không chấp nhận báo chí tư nhân, trong khi người ta vẫn nói đủ thứ chuyện trên mạng? Có phải chăng vì sự tiếp cận của đại đa số dân chúng với thông tin trên mạng vẫn còn hạn hẹp nên đảng cộng sản chẳng có ngại gì Internet cả?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét