Hoàng Trường
Trong biến cố thảm sát tại Quảng Trường Thiên An Môn tại Trung Quốc vào ngày 4/6/1989, ngoài những tên tuổi như Đặng Tiểu Bình là người trên thực tế nắm quyền tối cao vào thời điểm đó và được coi là người đã âm thầm cho phép việc đàn áp xẩy ra, và Lý Bằng là Thủ Tướng là người được coi như trực tiếp trách nhiệm về cuộc thảm sát thì còn có 2 tên tuổi khác nữa được nhắc đến nhiều nhất là ông Hồ Diệu Bang và ông Triệu Tử Dương là những người chủ trương đi ngược lại xu hướng trên.
Ông Hồ Diệu Bang là người đã bị thanh trừng vì có lập trường ủng hộ phong trào đòi dân chủ tại Trung Quốc vào thời điểm đó khi cho phép sinh viên tại Bắc Kinh biểu tình vào giai đoạn khởi đầu vào năm 1987. Khi ông Hồ Diệu Bang qua đời vào ngày 15/4/1989, nhân tang lễ của ông, dân chúng Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc xuống đường, chính thức là để tỏ lòng thương tiếc một người có xu hướng cải cách, nhưng thực chất là để phản đối tình trạng tham nhũng và lạm phát.
Ông Triệu tử Dương tại Thiên An Môn
Ông Triệu Tử Dương, là Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ năm 1987, thay thế ông Hồ Diệu Bang khi ông Hồ bị thanh trừng, cho tới ngay trước biến cố Thiên An Môn, khi ông bị tước bỏ mọi quyền hạn và bị quản chế tại gia cho tới khi qua đời vào năm 2005. Vào ngày 19/5/1989, ông Triệu Tử Dương đã đến Quảng Trường Thiên An Môn, nơi hàng mấy trăm ngàn người đang tiến hành cuộc biểu tình, và qua loa phát thanh, đã có những câu phát biểu đi vào lịch sử: “Các sinh viên, chúng tôi đến quá trễ. Chúng tôi xin lỗi…” và ông đã kêu gọi sinh viên ngừng cuộc biểu tình để tránh cuộc thảm sát mà ông biết là sẽ diễn ra vì ông đã tham dự buổi họp kín với Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại nhà của Đặng Tiểu Bình vào buổi tối trước hôm đó, ngày 18/5/1989, nơi quyết định đàn áp đã được lấy mà ông là người duy nhất bỏ phiếu chống.
Và cuộc thảm sát Thiên An Môn đã diễn ra vào ngày tối ngày 3/6 rạng sáng 4/6/1989 với nhiều ngàn người bị tàn sát và nhiều chục ngàn người bị thương.
Kể từ khi ông Hồ Diệu Bang bị thanh trừng cho đến nay thì tất cả những gì liên quan đến ông đều bị nhà cầm quyền Trung Quốc xem là những điều rất nhạy cảm. Cái tên Hồ Diệu Bang không được truyền thông Trung Cộng nhắc đến nữa kể từ năm 1989. Một lần, vào năm 1994, một tờ báo in đã viết bài tưởng nhớ ông và vì vậy đã bị cấm không được xuất bản. Tiểu sử của ông Hồ Diệu Bang là một vấn đề gây tranh cãi và một vài cuốn tiểu sử do những người trợ lý của ông viết đã không được xuất bản và vẫn nằm dưới sự quản lý của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc *. Tuy vậy, vào tháng 11 năm 2005, tức là 16 năm sau khi ông mất, Đảng CSTQ đã chính thức mừng lần thứ 90 ngày sinh Hồ Diệu Bang với các hoạt động tại Đại Lễ đường Nhân dân, và những bài viết về ông đã được phép phổ biến. Năm năm sau đó, năm 2010, Thủ Tướng Trung Cộng là Ôn Gia Bảo đã nhắc đến ông Hồ Diệu Bang và công khai ca ngợi ông là người có mối quan hệ gần dân và có đạo đức cao cả.
Mới đây nhất, nhân ngày giỗ của ông Hồ Diệu Bang vào ngày 15/4/2014, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng bộ ảnh của ông Hồ Diệu Bang trên báo Đảng và tờ Nhật Báo Giải Phóng do Ban Tuyên Giáo Thượng Hải chỉ đạo thì nhấn mạnh những khiá cạnh khác trong sự nghiệp của ông**.
Ông Hồ Diệu Bang
Người ta tự hỏi động cơ nào đã khiến các lãnh tụ Trung Cộng hành xử như vậy đối với ông Hồ Diệu Bang. Phải chăng các tân lãnh đạo Trung Cộng đang thực sự muốn cải cách và dùng việc từ từ phục hồi hình ảnh ông Hồ Diệu Bang như một bước tiệm tiến biểu lộ chủ trương của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc? Giả thiết này có xác suất thấp vì những hung thần thời Thiên An Môn là Lý Bằng, năm nay 84 tuổi, và Giang Trạch Dân, năm nay 86 tuổi vẫn còn sống, và tuy đã chính thức về hưu, nhưng vẫn là những người có ảnh hưởng rất mạnh từ hậu trường chính trị tại Trung Quốc, và không dễ gì chấp nhận sai lầm của họ nếu công nhận những việc làm của ông Hồ Diệu Bang là đúng.
Nhiều phần sự thay đổi thái độ này là sự nhượng bộ bắt buộc của giới lãnh đạo trước sức ép quá lớn của lòng dân, đặc biệt là giới trí thức Trung Quốc. Vô số các cá nhân có tên tuổi, các tập thể bao gồm cả nhiều đảng viên lão thành đã đệ đơn đến đủ loại cơ quan chức năng và lan tràn khắp mạng Internet trong suốt mấy thập niên qua. Rõ ràng tại Trung Quốc và dù dưới chế độ độc tài toàn trị rồi cũng chẳng khác gì các quốc gia khác, đó là loại lịch sử che lấp sự thật của 1 đảng, 1 triều đình, hay 1 chính phủ cuối cùng rồi vẫn phải lùi bước trước loại lịch sử trung thực của lòng dân và của toàn dân.
Tại Việt Nam, sự thật cũng đang dần dần được trả lại cho lịch sử. Từ những dữ kiện chi tiết về con người thật của các lãnh tụ cộng sản đến các chính sách tàn độc của họ trong quá khứ đang theo nhau xuất hiện. Từ những vu khống bất công đến các nỗ lực xây dựng đáng kể của các lãnh tụ chế độ VNCH cũng đang được soi rọi trở lại. Đặc biệt gần đây là công trình tra cứu của ký giả Huy Đức qua 2 tập sách Bên Thắng Cuộc và Quyền Bính.
Tại Việt Nam cũng có người tương đương với Hồ Diệu Bang. Một trường hợp tiêu biểu là ông Trần Xuân Bách. Ông Trần Xuân Bách từng nắm đủ loại chức vụ và tại Đại Hội 6 của Đảng CSVN (1986) ông đã được bầu làm Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung Ương Đảng.
Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo hướng đổi mới mạnh mẽ và chủ trương đa nguyên theo trào lưu cải tổ và đổi mới do ông Gorbachev đưa ra lúc đó đang lan tràn trong các quốc gia cộng sản. Vì lập trường và những việc làm đó mà tại Hội Nghị Trung Ương Đảng lần thứ 8 vào Tháng 3/1990, ông Trần Xuân Bách đã bị phê phán gay gắt và bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương. Sau đó vài tháng thì ông về nghỉ hưu và mất ngày 1/1/2006.
Ông Trần Xuân Bách đã có nhiều phát biểu phản ánh rất rõ ràng lập trường của ông. Ông nói: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát – do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại…“
Những con người dám đặt vận mạng dân tộc cao hơn tất cả, bất chấp các quyền lợi khi đang tại chức, bất chấp các đòn thù đến từ những “đồng chí” của mình, rồi đây không những sẽ được lịch sử trả lại sự thật mà còn sẽ sống mãi trong niềm kính phục và hãnh diện của những thế hệ Việt Nam tương lai khi học về đất nước hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét