Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Tiền lệ cho dân chủ khiếu kiện chính trị?

32-305.jpg
Những thông tin sai sự thật đăng trên báo Tuổi Trẻ về ông Phạm Chí Dũng hồi tháng 7/2012.
Screen capture

Tiền lệ

Ở xã hội Việt Nam vào thời giao thoa này, không hẳn những việc chưa có tiền lệ sẽ không bao giờ có tiền lệ.
Vụ việc khiếu nại của tôi – Phạm Chí Dũng - dù chỉ với tư cách một cá nhân nhỏ bé, đơn phương và không hề mang động cơ đánh bóng bản thân - đối với báo Tuổi Trẻ, biết đâu có thể được xem là một tiền lệ như thế, ứng với bối cảnh xã hội - chính trị Việt Nam đang ở năm 2013 chứ không còn thuộc về năm 2012 hay nhiều năm trước đó.
Ngày 2/5/2013, chỉ một ngày trước thời điểm kỷ niệm 3/5 cho các nhà báo tự do trên thế giới, báo Tuổi Trẻ đã thực hiện cải chính theo những đề nghị trong đơn khiếu nại của tôi:  “Đến nay, chưa có cơ sở xác định ông Phạm Chí Dũng cung cấp các tài liệu bí mật ra nước ngoài và nhận hàng ngàn USD như tin đã đưa”.
Những thông tin sai sự thật đăng trên báo Tuổi Trẻ về tôi đã xảy ra từ tháng 7/2012, tức trước thời điểm tôi khiếu nại 3 quý.
“Việc công khai xin lỗi ông Dũng thể hiện thái độ cầu thị và đường hoàng của báo Tuổi Trẻ TP.HCM” - Sống Mới, một tờ báo của Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam, đã bình luận về tiền lệ trên.
Với cá nhân tôi, rất có thể lời xin lỗi của báo Tuổi Trẻ là một dấu chỉ có ý nghĩa dành cho lễ kỷ niệm Ngày nhà báo tự do quốc tế 3/5.
Chỉ dấu trên có lẽ càng có ý nghĩa hơn nếu chúng ta tham khảo một nhận định của báo Người Việt ở Mỹ “Ở Việt Nam, đính chính và ngỏ lời xin lỗi một cá nhân từng bị cáo buộc phạm những tội, nằm trong nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia” là chuyện chưa từng có tiền lệ. Cho “tại ngoại” sau đó “đình chỉ điều tra” đối với một cá nhân như vậy cũng là điều chưa từng xảy ra”.
Nhận định trên nằm trong bài viết “Báo Tuổi Trẻ xin lỗi người “âm mưu lật đổ chính quyền””.
24-250.jpg
Hình chụp lại một phần tin cải chính đăng trên báo tuổi trẻ. Photo courtesy of Basam.
Người Việt cũng bày tỏ thái độ ngạc nhiên đầy tính hoài nghi: “Những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước, hay cho tự do tôn giáo bị báo chí nhà nước CSVN vu khống, bôi bẩn đã đòi các cơ quan báo đài đó đính chính đều bị lờ đi. Ðưa đơn tới tòa án kiện thì đơn cũng không được nhận”.
Có thể, những hoài nghi của Người Việt hay từ nhiều dư luận trong và ngoài nước đã là một phần sự thật trong nhiều năm qua.
Nhưng cũng có thể, Người Việt ở hải ngoại đã không thật sự hiểu rõ nội tình, và quan trọng hơn là không đủ điều kiện để cảm nhận trực tiếp về bầu không khí xã hội và chính trị đang đượm nhiều sắc thái biến chuyển khác thường ở Việt Nam.

“Bức tường” Trương Tấn Sang?

Bởi hoàn toàn không như những hoài nghi và cả nghi ngờ của công luận và dư luận, vụ việc của tôi chỉ thuần túy là trường hợp một công dân đi khiếu nại với đầy đủ các quyền dân sự của mình.
Như đã trả lời phỏng vấn Đài RFA cách đây không lâu, tôi là một viên chức đã có quá trình 16 năm nghiên cứu về hoạt động an ninh. Tuy nhiên, điều tưởng như “lợi thế chính trị” như vậy lại không nằm trong bất kỳ suy nghĩ nào của tôi đối với việc khiếu nại, cũng như một mối liên hệ nào đó với Tổng cục 2 quân đội trong dĩ vãng xa xưa hoàn toàn chẳng phải động lực để báo Tuổi Trẻ cải chính.
Nguyên do còn lại - “bức tường”, như thường được đồn đoán đối với bất kỳ công chức nhà nước nào được coi là “có mối quan hệ với nhiều cấp lãnh đạo”, thật ra lại hoàn toàn không xác thực. Bởi trong thực tế từ nhiều năm qua, cá nhân tôi không tiếp nhận bất kỳ sự chỉ đạo, chi phối hay tác động nào của người là chủ tịch nước hiện nay - ông Trương Tấn Sang.
Chẳng có bất cứ một “bức tường” nào, nếu như bạn không muốn thế.
Cũng như mối liên hệ với Tổng cục 2 quân đội, tất cả những gì mà tôi còn lưu giữ trong ý ức về ông Trương Tấn Sang chỉ là dĩ vãng trong sạch về con người này.
Với ký ức khó quên như thế, tôi thật lòng cầu chúc cho ông Trương Tấn Sang và những chính khách như ông sẽ tạo ra được một phép màu: lôi đất nước khỏi vũng lầy suy thoái.
Vũng lầy suy thoái đó lại đã được hòa hợp nhưng chưa hề bị phân giải bởi một trong những chất bùn sền sệt - thực tồn mất dân chủ ghê gớm trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương.
Và như điều ông Sang thường trả lời cử tri, hệ lụy lầy lội trên đã khiến lòng tin của dân chúng vào đảng và chính quyền bị suy giảm nghiêm trọng.

Những biến chuyển mới

Mất dân chủ chỉ có thể được phục hồi bằng chính hành vi dân chủ chứ không phải bởi bất kỳ hình thái phủ dụ nào.
Với cá nhân tôi, nếu tính dân chủ và lẽ công bằng đã được tái lập phần nào qua kết quả lời xin lỗi của báo Tuổi Trẻ, tại sao những công dân chúng ta lại không có quyền hy vọng vào một điều gì đó tiếp nối và có kết quả hơn thế?
Với cá nhân tôi, việc cải chính của báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện và mở đường cho những người viết báo và công dân hồi phục phần nào hy vọng về tinh thần công bằng trong phản biện độc lập, đối thoại dân quyền và dân chủ chính kiến trong bối cảnh xã hội đang xuất hiện những biến chuyển mới.
Tôi cũng thành tâm mong nguyện rằng trong tương lai sẽ ít hoặc không xảy ra việc khiếu nại hoặc bắt buộc phải khởi kiện của công dân và người viết báo đối với những tờ báo của Nhân Dân và có tính nhân dân, nhằm tránh thoát cho công dân và người viết báo những ý định về quy kết hành vi không đúng hoặc sai lệch với lương tâm của họ.
Giờ đây, xã hội đang dấn thân vào những biến chuyển mới. Khác nhiều với năm 2012 và những năm trước, từ đầu năm 2013 đến ít nhất thời điểm này, chưa có trường hợp “chính trị” nào bị bắt giam.
Sự thoát thai của Minh bạch cùng những tổ chức hoạt động xã hội cũng vì thế đang dần được công khai hóa.
Dù vẫn chưa lộ rõ tín hiệu khởi sắc, nhưng nhãn quan im lặng của người Mỹ vào thời gian sau khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ tại Hà Nội vào trung tuần tháng 4/2013, cho thấy không hẳn là sự nhẫn nhịn bi quan, mà dường như đang diễn ra một “lộ trình” nào đó về những thỏa thuận nào đó giữa Washington với Hà Nội, Việt Nam với Hoa Kỳ về chủ đề nhân quyền và có thể cả cách thức hình thành nên một nền dân chủ mới.
Cùng lúc cũng diễn ra những sắc thái mới về ngoại giao và quân sự. Trên hết là điểm nhấn Biển Đông, cùng thái độ lắng tiếng của Trung Nam Hải sau khi chiến hạm Mỹ “trao đổi quân sự” với hải quân Việt Nam ở Đà Nẵng.
Giao lưu văn hóa và kinh tế cũng hiện ra tương ứng. Sau 40 năm quan hệ Pháp - Việt, người Gaulois lại một lần nữa xuất hiện, như thể đại diện cho một sự quan tâm đặc biệt hơn hẳn của Liên minh châu Âu đối với vấn đề quyền làm người ở Việt Nam…
Tất cả diễn ra trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang xúc tiến ứng cử vào một trong những chiếc ghế của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, đồng thời mong muốn thúc đẩy càng sớm càng tốt tiến trình gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - với các thị trường Mỹ và Tây Âu đóng vai trò sinh tử.

Gạch lót đường

Tất cả có thể diễn ra một cách từ tốn, có phần chậm chạp, nhưng có hy vọng sẽ không phản lộ trình.
Dân chủ cũng bởi thế có hy vọng được lộ diện rõ hơn.
Thế nhưng, như lịch sử đã từng tái hiện quá nhiều lần, Dân chủ không phải là một con đường rải đầy hoa hồng với mùi hương xộc thẳng vào mũi bạn ngay từ những bước dợm chân đầu tiên.
Những chuyển mình đầu tiên lại luôn phải tựa trên những viên gạch lót đường. Mỗi viên gạch lót đường có thể ứng với một tiền lệ nào đó.
Tiền lệ sẽ tiếp nối tiền lệ, cho đến khi tự thân chúng mang tính hệ thống và sinh sôi chuỗi phản ứng có tính quy luật. Đến khi đó, Dân chủ sẽ dần thoát khỏi thời kỳ phôi thai trứng nước để trở thành một hình khối có nhân cách dày dặn hơn.
Cũng đến lúc đó, có thể những viên gạch lót đường đầu tiên sẽ bị đè sâu dưới nhiều viên gạch khác. Cũng có thể những gì thuộc về đầu tiên ấy sẽ bị quên lãng.
Gạch lót đường không nhất thiết phải trở thành một con đường. Cốt lõi của vấn đề này là chúng không kèn cựa với nhau hoặc tệ hại hơn là chồng đạp lên nhau, cũng như phải chấp nhận thân phận bị lãng quên khi tương lai không còn cần đến vai trò của chúng nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét