Đối với giới quản lý cao cấp của Việt Nam, một trong những giải pháp chữa cháy đầu tiên phải là minh bạch hóa tất cả những gì cần minh bạch về nợ xấu và nợ công, nếu chính thể này muốn được chấp nhận có mặt trong TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương).
Vẫn “an toàn”?
Cùng thời gian diễn ra Hội nghị trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một cuộc tiếp xúc với cử tri thành phố Hải Phòng và tái lập thông điệp “trong bối cảnh khó khăn chúng ta vẫn đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn”.
Một số tờ báo trong nước cũng trích dẫn một đánh giá gần nhất của Ngân hàng thế giới về “tỷ lệ nợ công 55% của Việt Nam vẫn ở mức bền vững”.
Tuy nhiên, giám đốc cơ quan Ngân hàng thế giới tại Việt Nam là bà Victoria Kwakwa lại không quên lưu ý về các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ do chính phủ bảo lãnh.
“Có những khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh, nếu thành hiện thực sẽ là nghĩa vụ nợ của khu vực công và làm tăng nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Đây chính là nguồn rủi ro tiềm ẩn trong nợ công của Việt Nam” - Victoria Kwakwa cảnh báo trong một cuộc họp báo diễn ra 3 ngày trước thông điệp “nợ công vẫn an toàn” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Từ chiều kích phản biện của Quốc hội, quản đốc quốc gia dự án chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế là ông Nguyễn Trí Dũng cũng nêu ra cái đảo mắt độc lập hơn rất nhiều so với “quyết tâm” của Chính phủ: “Nếu xét đến các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP, nợ ngân hàng của khu vực doanh nghiệp nhà nước gần 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của doanh nghiệp nhà nước thì tổng số nợ công Việt Nam có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP”.
Vào năm 2011, GDP Việt Nam là 122 tỷ USD. Như vậy, số nợ công theo quan điểm của Quốc hội đã lên đến 116 tỷ USD, vượt rất xa con số 67 tỷ USD do Chính phủ công bố vào cuối năm 2012.
95% hay 106%?
Nhưng nhận định về tỷ lệ nợ công 95% có lẽ vẫn chưa thoát lộ tất cả những gì phải nín lặng.
Khoảng thời gian đầu năm 2013 đã chứng kiến hiện tượng “giải mật” chưa từng có sau quá nhiều năm như câm lặng.
Chỉ trước Hội nghị trung ương 7 một tháng, những con số về nợ công quốc gia đã lần đầu tiên được “tiết lộ” tại một cuộc thảo khoa học có tên “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam” - được tổ chức bởi Viện hàn lâm khoa học Việt Nam, một tổ chức cũng vừa mới khai sinh.
Cũng là lần đầu tiên, giới chuyên gia khoa học ở Việt Nam tỏ ra phóng khoáng đến thế trong việc “gợi mở” những con số mà trước đây thuộc loại “cấm kỵ”. Nếu TS Nguyễn Trọng Hậu - một giảng viên của Đại học Almamer ở Ba Lan - cho biết nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ công Việt Nam Nam phải lên đến 128 tỷ USD, tương đương với 106% GDP năm 2011, thì TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ kế hoạch và đầu tư, cũng đồng thuận với ý kiến đó.
Trong một bối cảnh hoàn toàn khác biệt, vào cuối năm 2012, báo cáo của Chính phủ gửi cho các đại biểu quốc hội lại cho biết nợ công của Việt Nam “chỉ” khoảng 67 tỷ USD, chiếm có 55,4% GDP.
Những cơ quan tham mưu tận lực cho Chính phủ để hình thành nên con số nợ công trên là Bộ tài chính và Bộ kế hoạch và đầu tư.
Chiếu theo con số báo cáo trên, rõ ràng đã tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa điều được coi là “thống kê” của các cơ quan hữu trách với hiện trạng mà giới chuyên gia xem là con số thực. Khoảng cách này có thể lên đến ít nhất 60 tỷ USD.
Cần nhắc lại, sau khi báo cáo của Chính phủ Việt Nam được công bố vào cuối năm 2012, một chuyên gia thống kê hàng đầu, người từng là vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia thuộc Cục thống kê Liên hiệp quốc - TS Vũ Quang Việt - đã thẳng thừng phản bác khi cho rằng nếu tính đúng chuẩn của Liên hiệp quốc, số thực nợ công quốc gia của Việt Nam phải lên đến 129 tỷ USD.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ công được hiểu là nợ của chính phủ cộng thêm nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương và nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Theo TS Vũ Quang Việt, chính phủ Việt Nam đã không coi nợ của doanh nghiệp nhà nước là một phần của nợ công và do đó đã không tính khoản 62 tỷ USD của khối này vào nợ quốc gia.
Cũng theo quan điểm của ông Việt, vì nhà nước làm chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước nên nhà nước không thể phủi tay để chủ nợ đòi bán tài sản thu nợ theo đúng luật phá sản. Một trong những trường hợp điển hình mà ông dẫn chứng là nợ của Vinashin đã được chính quyền dồn cho các doanh nghiệp nhà nước khác phải trả.
Sẽ không khách quan nếu không nhắc lại món nợ 80.000 tỷ đồng của Tập đoàn tàu thủy Vinashin gây ra, mà cho tới giờ vẫn bị giới phân tích kinh tế và cả giới quan sát chính trị xem là một khuất tất về nợ xấu và chắc chắn có liên quan đến con số ít nhất 800 đô la nợ công trên đầu người ở Việt Nam.
Đồng thời, có tới 30 tập đoàn và tổng công ty có số nợ lớn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu; trong số này có 8 doanh nghiệp nợ gấp 10 lần vốn và 10 doanh nghiệp nợ từ 5-10 lần - ông Việt dẫn chứng từ Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ.
“Như vậy có lẽ 30 tập đoàn này đã mất khả năng trả nợ” - TS Vũ Quang Việt kết luận.
Không còn gì để giấu diếm, Vinashin đã không còn khả năng trả nợ.
Theo dư luận nhiều tháng qua, những khuất tất về công nợ của một số doanh nghiệp nhà nước như Vinashin đã có dấu hiệu chuyển thành khuất lấp.
Khuất lấp?
Làm sao giải mã được những khuất tất cùng khuất lấp trong bài toán nợ công Việt Nam?
TS Nguyễn Trọng Hậu của Ba Lan nhắc lại: trong khi thế giới có 5 tiêu chí về nợ công chung, thì Việt Nam chỉ có 3 tiêu chí. Hai tiêu chí không được Việt Nam tính vào nợ công là nợ của doanh nghiệp nhà nước và khoản nhà nước vay của quỹ hưu trí.
Cũng như TS Vũ Quang Việt, ông Hậu dẫn lại trường hợp nợ của Vinashin không được tính vào nợ công, trong khi ở các nước khác, doanh nghiệp nào có vốn nhà nước dù chỉ một vài phần trăm, khi vay nước ngoài cũng phải tính vào.
Không thật gần nhưng cũng chẳng mấy xa xôi, nợ công và nợ xấu lại có mối quan hệ dính chùm nhân quả.
Một diễn đàn kinh tế mùa xuân ở Nha Trang vào tháng 4/2013 đã lần đầu tiên phát ra con số nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam với ước tính vượt quá 500.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các báo cáo của những cơ quan đặc trách về tình hình này, đặc biệt là Ngân hàng nhà nước, đã chỉ thừa nhận nợ xấu vào khoảng 170.000 tỷ đồng.
Khoảng chênh lệch đã lên đến 3 lần.
Hiển nhiên sự chênh biệt giữa con số thực tế và số báo cáo như trên có thể coi là “khủng khiếp”. Tình hình đó cũng cho thấy một trong những vấn đề trầm trọng nhất đối với nền kinh tế và cả với chính sách công ở Việt Nam là thực trạng thống kê. Không những thiếu chính xác, trong nhiều trường hợp hoạt động thống kê còn trở nên thiếu minh bạch một cách khó tả và rất đáng ngờ.
Một trong những minh họa điển hình là tỷ lệ thất nghiệp được Bộ lao động, thương binh và xã hội công bố chỉ chưa đầy 2% trong năm 2012, trong khi theo một quan chức thì “thêm vào một con số 0 vẫn hợp lý”.
Phải chăng cái mà xã hội đang bức xúc về “căn bệnh thành tích đã trở nên mãn tính” cùng những lời hứa không hồi âm đã làm cho nhiều số liệu thống kê bị sai lệch?
Quá muộn?
Một hứa hẹn mà Chính phủ Việt Nam gửi đến các đại biểu quốc hội vào cuối năm 2012 là nợ công quốc gia sẽ không vượt quá 65% vào năm 2015. Dĩ nhiên, 65% là giới hạn nguy hiểm mà bất cứ một nền kinh tế nào cũng phải dè chừng. Nhưng lời hứa hẹn đó chỉ hợp lý nếu quả thực con số nợ công hiện nay không phải 128 tỷ USD mà là 67 tỷ USD.
Có nghĩa là từ đây đến năm 2015, nợ vay nước ngoài sẽ tiếp tục tăng lên mà vẫn chưa bị coi là “nguy hiểm”.
Đó cũng là lý do vì sao vào tháng 5/2013, sau nhiều tranh cãi có liên quan đến chủ đề lãng phí và nợ công, các cơ quan hữu trách Việt Nam vẫn chấp nhận một món vay từ phía Nhật, dù đã phải chính thức bỏ kế hoạch áp dụng mô hình tàu cao tốc Shinkansen, thay vào đó bằng hệ thống tàu chậm hơn nối Hà Nội và TP.HCM, giúp giảm bớt 20% của khối chi phí 50 tỷ USD vay từ nguồn ODA.
Chỉ có điều, mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng bất hợp lý khi phương thức tính toán theo tiêu chuẩn Liên hiệp quốc lại tỏ ra phù hợp hơn hẳn kiểu cách “tái cơ cấu nợ vay” luôn bị nghi ngờ của giới chức điều hành kinh tế Việt Nam.
Nếu trường hợp trên xảy ra, ngay giờ đây vấn đề nợ công Việt Nam đã vượt xa giới hạn nguy hiểm và có thể tiến tới một điểm bùng vỡ trong một tương lai không quá xa.
PGS.TS Nguyễn An Hà - Viện Nghiên cứu châu Âu - là người mở ra một giả định đáng chú ý: với tình hình nợ công và quản lý nợ công của Việt Nam, có thể thấy rằng nền kinh tế Việt Nam hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước PIIGS (các nước châu Âu có tỉ lệ nợ cao, bao gồm Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006-2011... Do vậy, cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn.
“Quá muộn” cũng có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam, vốn đang quá mong manh và rệu rã chân đứng, sẽ có thể suy sụp hoàn toàn với chỉ một cú nhấn bùng nổ nợ công.
Hiển nhiên đối với giới quản lý cao cấp của Việt Nam, một trong những giải pháp chữa cháy đầu tiên phải là minh bạch hóa tất cả những gì cần minh bạch về nợ xấu và nợ công, nếu chính thể này muốn được chấp nhận có mặt trong TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương).
Minh bạch nào cho TPP?
Từ sau tết con Rắn 2013, một số tờ báo Việt Nam bắt đầu một “chiến dịch” khuếch trương ước nguyện của Việt Nam về khả năng được tham dự “mâm cỗ” TPP - một trào lưu gần tương đồng với cuộc vận động gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cách đây 6 năm và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cách đây đúng một con giáp.
TPP cũng đang được xem là lối thoát khả dĩ gần như duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh suy thoái khó có đường thoát.
Minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế lại là một trong những điều kiện then chốt của TPP. Hiểu theo ngữ nghĩa quốc tế và nếu không bị chi phối bởi tính “nghị quyết”, muốn minh bạch thì hoạt động điều hành kinh tế phải được công khai hóa về toàn bộ các văn bản hành chính, báo cáo và số liệu mang tính “nội bộ”. Trong đó, những chủ đề mang tính “nhạy cảm” như tham nhũng và nợ công đương nhiên có tính gắn kết và cần được đưa ra ánh sáng.
Không thiếu dẫn chứng cho những gì đáng bị coi là khuất lấp, khi một nhóm nhà nghiên cứu thực hiện đề tài “Nợ công Việt Nam: quá khứ, hiện tại và tương lai” cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào tháng 7/2012 đã phàn nàn rằng việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật về nợ công, nợ nước ngoài và nợ của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là hết sức khó khăn.
Theo một bài viết trong nước, ngay cả cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng không dễ gì có được thông tin về nợ công. Trong báo cáo ngày 18/7/2012, cơ quan này đã phê phán Bộ Tài chính trong việc quản lý nợ công và cách công khai thông tin liên quan. Báo cáo này đánh giá Bộ Tài chính “chưa công khai thông tin đầy đủ” về tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; cũng như về tổng số dư nợ công, cơ cấu nợ trong nước, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hàng năm. Những thông tin này đáng ra phải được báo cáo công khai, minh bạch theo Luật Quản lý nợ công.
Như nhiều người đã rõ, không thể minh bạch được những vấn nạn trong nội tại kinh tế và điều hành quản lý của mình, Việt Nam đành thúc thủ ở thứ hạng 123/176 trong bảng tổng sắp của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) về chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2012, tụt 11 bậc so với năm 2011.
Dù chưa bao giờ nhà chức trách Việt Nam thừa nhận tính “hợp hiến” của TI, nhưng dư luận sở tại lại đã trở nên quá tràn ứ.
Là một yếu tố tiên quyết để Việt Nam hội nhập thương mại quốc tế và cả những chủ đề lớn khác như quốc phòng, an ninh và ngoại giao, tính minh bạch sẽ khó có thể được chứng thực dù ở mức tối thiểu, nếu những con số thống kê vẫn tiếp tục thể hiện gương mặt khuất lấp. Khi đó, e rằng cơ hội cho Việt Nam đón nhận sự tiếp ứng từ bên ngoài sẽ chỉ còn rất hạn hẹp.
Thậm chí là ngược lại, có thể đến một lúc nào đó cộng đồng quốc tế sẽ quay lưng với giới điều hành kinh tế Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét