Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Cái bẫy của thu nhập

000_Was7471460-305.jpg
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Young Kim (T) tại buổi họp báo cuối cùng của IMF tại Washington hôm 20/4/2013
AFP photo

Hôm Thứ Hai 29, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công bố báo cáo cập nhật về viễn ảnh kinh tế của khu vực Á Châu Thái Bình Dương với dự báo lạc quan hơn trước về triển vọng kinh tế của trong năm nay. Nhưng định chế tài chính quốc tế này cũng cảnh báo các nước trong khu vực về cái "bẫy sập của thu nhập ở mức trung bình". Bẫy sập ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thận trọng với chính sách kinh tế vĩ mô

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vừa công bố tại Singapore hôm Thứ Hai 29 đầu tuần những dự đoán lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của khu vực Châu Á Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,75% vào năm nay. Định chế này cũng cảnh báo các nước nên thận trọng với chính sách kinh tế vĩ mô để khỏi bị rơi vào bẫy sập của thu nhập. Thưa ông, kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu xem cái bẫy sập ấy nghĩa là gì. Nhưng trước hết, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa vâng, như mọi khi, tôi xin được nói về bối cảnh trước, rồi mới đi vào vấn đề mà ta muốn tìm hiểu.
IMF thường xuyên khảo sát tình hình kinh tế thế giới trong khoảng thời gian chừng hai quý tức là sáu tháng để ước tính ra triển vọng kinh tế trong từng khu vực. Chúng ta hãy mường tượng ra một tháp canh khá cao, với tầm nhìn bao quát hơn, để thông báo về cả hy vọng lẫn rủi ro trước mắt hầu các nước khỏi bị bất ngờ và có thể khai thác cơ hội thuận tiện. Tuy nhiên ta không quên rằng đấy chỉ là khảo sát ngắn hạn, là trong tầm nhìn của một năm và còn phải cập nhật liên tục. Thứ hai, và đây là nhận định của riêng tôi, IMF thường đưa ra dự báo lạc quan hơn thực tế và chính vì vậy mà ta càng nên chú ý đến lời cảnh báo của định chế này.
Trong bản phúc trình gần 70 trang, IMF dự đoán là các nước trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu sự phục hồi kinh tế toàn cầu với đà tăng trưởng cao và nêu ra cơ sở của dự báo này là hoàn cảnh của khối kinh tế công nghiệp hóa Âu-Mỹ, là chính sách kích thích kinh tế của Nhật và nhất là những ưu nhược điểm của các nước trong khu vực. Chương ba của báo cáo mới nói đến nan đề của nhiều nước là làm sao tránh được bẫy sập của thu nhập từ thấp lên cao.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về cách trình bày tuần tự này, trước khi ta nhìn vào cái bẫy sập đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng cũng về bối cảnh nhưng nhìn trong trường kỳ thì mình thấy sự tiến hóa và thịnh vượng của các nước trên thế giới có chung một vài đặc tính.
Thứ nhất, các nước công nghiệp hoá, chủ yếu là các nền kinh tế Âu-Mỹ, đã mất hai thế kỷ để đi từ hình thái nông nghiệp lên hình thái công nghiệp và nâng cao lợi tức của người dân. Ngày nay, họ đã lên tới trạng thái hậu công nghiệp với đà tăng trưởng thấp hơn nhưng trên một nền móng giàu mạnh hơn trước và cho đến nay thì vẫn còn hơn nhiều quốc gia khác.
Thứ hai, trong thế kỷ 20, một số quốc gia khác, chủ yếu là các nền kinh tế Á Châu, lại không mất hai thế kỷ mà chỉ có hai thế hệ để bung ra khỏi tình trạng nghèo khó và trở thành nền kinh tế ta gọi là "tân hưng", mới phát triển. Lý do là họ học được kiến thức về tổ chức và kỹ thuật sản xuất của các nước đi trước trong môi trường kinh tế tự do hơn và trao đổi với nhau nhiều hơn.
Thứ ba là các nước đi sau mới học kinh nghiệm Tây phương và các nước tân hưng đi trước để đạt mức tăng trưởng nhanh hơn, với số lợi tức từ trình độ thấp lên cao hơn. Nhưng người ta nghiệm thấy là nhiều nước nghèo lại không bung lên bậc cao hơn mà chỉ dậm chân tại chỗ hoặc thập chí còn tuột thang. Người ta nói rằng các nước đó rơi vào bẫy sập của thu nhập bình quân. Ngân hàng Thế giới ước lượng mức đó vào khoảng ngàn mốt ngàn hai đô la cho mỗi đầu người.
Vắn tắt lại cho dễ nhớ, nếu thu nhập bình quân của dân Mỹ là gần năm vạn đô la một năm, của cả Âu Châu nói chung là hơn ba vạn thì Nam Hàn hay Đài Loan cũng đã vượt qua mức hai vạn trong khi dân Trung Quốc thì vẫn chỉ ở số sáu ngàn. Việt Nam thì được hơn một ngàn mà nhiều nước khác chưa bung khỏi giới hạn ngàn đồng một năm, là kiếm ra dăm ba đồng một ngày.

Vì đâu rơi vào bẫy sập?

RFA-250.jpg
Những tòa nhà cao tầng bên sông Hàn, Đà Nẵng. AFP photo
Vũ Hoàng: Như vậy và nhìn trong viễn cảnh dài, từ cảnh nghèo khốn mỗi người dân chỉ kiếm ra khoản lợi tức quy ra vài trăm đô la một năm, nhiều nước đã sớm vượt cái ngưỡng ngàn đồng để tiếp tục đi lên và có thu nhập bình quân một đầu người là vài chục ngàn một năm. Thưa ông, có  phải là như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, mà sở dĩ tôi nhắc đến khung cảnh rộng lớn và lâu dài của các nền kinh tế trên thế giới là để chúng ta cùng nhìn thấy một thực tế khách quan.
Đó là các nước có thể học hỏi để phát huy và xây dựng những động lực đem lại sự thịnh vượng cho người dân. Ngoài yếu tố kiến thức hay kỹ thuật sản xuất, một trong các động lực ấy là quyền tự do trao đổi kinh tế. Thứ nữa, các nước đã có thể bung lên là nhờ buôn bán với nhau chứ không có cái cảnh xứ này bóc lột xứ khác, hoặc sự giàu có của quốc gia này chỉ là kết quả của việc bóc lột quốc gia khác. Tư tưởng đấu tranh giai cấp hay lý luận tranh đoạt quyền lợi kinh tế theo kiểu đế quốc là những sai lầm đã gây ra chiến tranh và tàn phá. Như vậy, sự thể khách quan mà ta cần thấy ra ngày nay là sự thịnh suy của các nước tùy thuộc nhiều nhất vào chính sách bên trong từng nước, chứ không thể đổ lỗi cho thiên hạ là xong. Ngược lại, các nước có thể tự rơi vào bẫy!
Vũ Hoàng: Thưa ông, nếu cho là chẳng ai giăng bẫy ai vì sự thịnh vượng của xứ này có thể đem lại lợi tức cho xứ khác như ông vừa phân tích thì đâu là những lý do mà các nước có thể tự rơi vào bẫy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng về câu trả lời, ta có thể học được... từ Trung Quốc!
Quốc gia đông dân này bị khủng hoảng và tự giác ngộ khỏi xã hội chủ nghĩa hoang tưởng kiểu Mao Trạch Đông mà cải cách kinh tế từ năm 1979 nên cũng có tốc độ tăng trưởng cao như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan cùng nhiều nước tân hưng Đông Á khác trước đó vài thế hệ. Với dân số đông và đà tăng trưởng cao, Trung Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới từ năm 2010 nhưng vẫn chưa là nước tân hưng, mới chỉ là "tân tòng" theo quy luật tự do và bắt đầu rơi vào khoảng trũng nên đang phải cải sửa chiến lược kinh tế từ lượng sang phẩm.
Hai năm trước, chính các kinh tế gia của họ đã cảnh báo về cái bẫy sập. Hình như là chúng ta cũng đã đề cập đến chuyện này nên tôi chỉ xin được nhắc lại. Thứ nhất, mỗi hoàn cảnh phát triển lại đòi hỏi một số chính sách phù hợp. Trung Quốc đã dám cải cách theo lối mò chân dưới nước để tìm đường đi và áp dụng nhiều chính sách thích hợp để đạt mức tăng trưởng cao và tiến sang hoàn cảnh khác.
Nhưng sau khi có những thành tựu nhất định như vậy, Trung Quốc cứ sợ mò chân xuống nước để tìm đường đi tiếp và điều ấy là sai. Sở dĩ như vậy vì sau những thành tựu đó, nhiều thế lực kinh tế và chính trị đã thu vén đặc lợi trong giai đoạn trước nên e ngại đổi thay. Mà không chỉ sợ đổi thay sẽ làm mất quyền lợi, các nhóm lợi ích này còn cưỡng chống và phá hoại nỗ lực cải cách của lãnh đạo để bảo vệ thành quả riêng. Vì vậy, Trung Quốc có thể rơi vào bẫp sập của lợi tức. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Bắc Kinh cũng có lời cảnh báo tương tự về cái bẫy sập. Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường khi ấy, là Tổng lý Quốc vụ viện ngày nay, hoàn toàn đồng ý với kết luận này và nêu quyết tâm cải cách để ra khỏi bẫy sập.

Hiện trạng Việt Nam

BAY-THU-NHAP-BINH-QUAN_250.jpg
Công nhân xây dựng ở Hà Nội, ảnh minh họa. RFA photo
Vũ Hoàng: Chúng ta đang tiến dần đến sự thật đó vì dường như là Việt Nam cũng gặp cảnh ngộ tương tự khi người ta than phiền về thế lực của các nhóm lợi ích đang cưỡng chống việc tái cơ cấu nền kinh tế và gây vấn đề cho chính sách kinh tế vĩ mô. Thưa ông, có phải rằng đấy cũng là yếu tố đưa Việt Nam vào bẫy sập hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi e rằng sự thật lại còn tệ hơn vậy nữa!
Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn vì hết lợi thế nhân công rẻ do sự thay đổi về dân số và thị trường xuất khẩu của họ bị co cụm nên phải cải cách và tìm lực đẩy ở tiêu thụ nội địa thay cho xuất khẩu và theo chiến lược chú trọng về phẩm hơn là về lượng. Vậy mà chưa chắc lãnh đạo mới đã giải quyết nổi yêu cầu sinh tử đó và còn e ngại động loạn. Nhưng dù sao, người dân xứ này vẫn có mức thu nhập bình quân là gấp năm người Việt, và trình độ chuyên môn của cấp lãnh đạo Bắc Kinh còn cao hơn lãnh đạo Hà Nội. Hoàn cảnh Việt Nam là chưa kịp len vào hạng trung bình thì đã rơi xuống dưới vì cản lực quá lớn của các nhóm lợi ích. Cơ bản nhất, Việt Nam chưa hoàn thành việc cải cách kinh tế cho tự do nên chưa có một sân chơi bình đẳng và lành mạnh.
Việt Nam vẫn duy trì vai trò và thế lực quá lớn của khu vực kinh tế nhà nước là nơi xuất phát các nhóm lợi ích cấu kết với nhau trong bộ máy đảng, nhà nước và tay chân thân tộc. Các phe nhóm này không che giấu mà còn phơi bày những thành tựu bất công và bất lương của họ để huy động thêm vây cánh và cản trở mọi ý hướng cải cách.
Những gì ta đang thấy từ lời đả kích ồn ào về tội lũng đoạn hoặc rửa vàng của cơ quan này hay tội phạm pháp của đại gia kia chỉ là biểu hiện ra ngoài của nạn đấu đá về quyền lợi trong nội bộ. Trong khi ấy, đại đa số người dân vẫn còn nghèo và cơ sở tư doanh thì mỗi tháng chết hàng ngàn. Việt Nam khó ra khỏi hố sâu hiện tại để mơ tới những bậc thang cao hơn.
Vũ Hoàng: Lời kết của ông cho hiện tượng đáng buồn này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên bước đường phát triển, xứ nào cũng có thể gặp gió chướng như một chu kỳ suy trầm hoặc bị khủng hoảng vì nhiều chứng tật tích lũy từ trước. Gặp cảnh đó, các quốc gia đã thành công đều cố truy ra lý do và tìm hướng cải cách, rồi dám sửa đổi để lại đi lên. Trên bậc thang cao hơn, họ có thể lại gặp vấn đề mới nhưng nếu dám sửa thì cuối cùng cũng tạo hoàn cảnh làm ăn dễ dàng cho mọi người, nhờ đó mới thành nước tân hưng. Nhiều quốc gia thì chỉ mon men trong cảnh vặt mủi bỏ mồm, và Việt Nam thì giỏi vặt mũi người này bỏ mồm người khác. Đấy là một sự bất công rất nguy hiểm và là bài toán chính trị chứ không chỉ kinh tế.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét