Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI vừa khai mạc sáng thứ Năm 1/5 để bàn và quyết định sáu nhóm vấn đề lớn.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay các ủy viên Trung ương sẽ "xem xét, quyết định, cho ý kiến về các vấn đề: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường".
Theo Chương trình của toàn khóa, Hội nghị 7 đáng ra bàn chuyên đề về công tác dân vận.
Một nguồn khả tín nói với BBC rằng chương trình nghị sự nay thêm một số chủ đề khác; và đây là lý do mà Hội nghị 7 diễn ra chậm hơn kế hoạch khoảng một tuần.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và có bài phát biểu khai mạc Hội nghị 7.
Tại hội nghị lần này, một bản dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo sẽ được mang ra xin ý kiến.
Nguồn tin không chính thức nói con số ủy viên Bộ Chính trị khóa XI sẽ được tăng thêm một vị trí thành 15 trong thời gian tới.
Theo TTXVN, các ủy viên Trung ương "đã tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch".
Bản tin của hãng thông tấn nhà nước cho hay "nguồn cán bộ khá dồi dào về số lượng, có đủ ba độ tuổi cho các chức danh".
Bộ Chính trị Đảng CSVN đã xem xét, thảo luận và có ý kiến sơ bộ về chức danh nhân sự dự kiến để thảo luận trong hội nghị 7 này.
Sau khi tổng hợp ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ căn cứ vào đó để ra quyết định chính thức.
Khác với Hội nghị 6, khi không khí căng thẳng với kết quả phê bình và tự phê bình của nhiều lãnh đạo chủ chốt, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội nghị 7 dường như nhìn tới quy hoạch xa.
Kiên trì nguyên tắc trong Hiến pháp
Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong phát biểu khai mạc Hội nghị 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ủy viên Trung ương "bám sát Cương lĩnh của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5... nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật sâu các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà Ủy ban sửa đổi Hiến pháp trình, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng".
"Tiếp tục khẳng định Nhà nước [ta] là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo."
TBT Nguyễn Phú Trọng nói về nguyên tắc trong sửa đổi Hiến pháp 92
Ông Trọng khuyến cáo "phải chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý".
Tuy nhiên ông nhấn mạnh cần "kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước" và "tiếp tục khẳng định Nhà nước [ta] là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo".
Nguyên tắc khác mà ông tổng bí thư tái khẳng định là "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công-nông và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…"
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc nhở cần "tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao".
"Đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp."
Với chỉ đạo nói trên, có thể thấy sẽ không có đột phá gì lớn so với dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà Quốc hội Việt Nam đang trưng cầu ý dân tới tháng 9/2013.
Được biết Hội nghị 7 sẽ kéo dài tới 10/5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét