Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Sau thất bại, bác Cả Trọng đã tỉnh ngộ hay vẫn u mê?

Gò Cỏ May



Sau sự thất bại thảm hại của TBT Nguyễn Phú Trọng (xin được gọi theo kiểu dân Bắc là bác Cả Trọng cho nó thân thiện) tại hai hội nghị TƯ.6 & 7 vừa diễn ra. Người am tường thời cuộc cho đó cũng là sự tất yếu của qui luật sinh tồn. Khi kiến không ăn được cá thì cá ăn kiến là điều khó tránh.

Những ai quan tâm đến chính sự thời gian qua đều nhận thấy tư duy và bản lĩnh chính trị của bác Cả Trọng là lạc hậu và yếu kém. (Xem ở đây). Đã vậy ông còn đại ngôn như đã từng lên lớp ở trường đảng bên Cu-ba. Khiến cho bà Tổng thống cánh tả của xứ Ba-tây (Braxin) sợ tới mức phải đột ngột cáo bận mà không dám tiếp ông (dù trước đó đã long trọng kính mời) để tránh “gần mực“ khỏi bị đen lây?

Nếu nói theo logic lập luận của bác Cả hôm đầu xuân vừa qua ở Thạch Thất (“mình phải như thế nào thì người ta mới mời chứ“). Thì có thể hiểu bác Cả phải nói năng thất thố trước cửa ngõ nhà người ta (ở Cu-ba) tới mức nào thì bà Tổng thống Ba-tây mới cực chẳng đã, phải hủy lời mời như vậy?
Thử nghe lại một trích đoạn ngắn xem sao?
TBT Nguyễn Phú Trọng trên bục giảng tại trường Đảng Cao cấp 
Nico Lopez – ngày 10.04.2012 (Ảnh: Trí Dũng -TTXVN)
"Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghiã: đời sống của đa số cư dân lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế – tài chính đã tràn vào lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế. Sự thật đơn giản là bản thân thị trường tự do của chủ nghiã tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu… “.
Những khó khăn và mâu thuẫn này xem ra gần với nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN“ ở xứ ta hơn thì phải?!
Ở đoạn khác ông Trọng khoe khoang:
“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng – thua vì lợi ích vị kỷ của các cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác và chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” *

Đến đây thì chả cần bình bọt thêm làm gì cho mất thì giờ. Từ miệng ông Trọng tuôn ra cả đấy nhá. Chứ có tụi “thế lực thù địch“ nào xui ông đâu. Khi chỉ cần thay hai chữ ”chúng ta” thành chữ “chúng nó“ (CNTB Tây Phương) là chuẩn không cần chỉnh. Thật đúng là “cóc chết tại miệng“ là thế. Mang chuông đi đấm nước người, sứ giả còn phải giữ gìn huống chi nhà vua. Ai lại đi xưng xưng “Nói những gì không biết, viết những gì không hiểu và sợ mất những gì mình không có!” bất cẩn như thế bao giờ?

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh từ 11-15.10.2011
Xuất thân từ một anh thư lại không có công trạng gì với non sông. Chỉ theo học chuyên ngành về “xây dựng đảng“ ở cái nơi vốn là “thành trì của CNXH“ mà ngày nay người dân ở đó cũng đã kiên quyết khước từ. Bởi lỗi hệ thống của thứ chủ nghiã này qúa lớn (“được duy trì bằng sự giả dối“ – Lời Gorbachev). 

Ông Trọng sở dĩ có được cái may mắn leo cao không phải bằng tài ba lỗi lạc. Mà do được lòng ông bạn vàng khổng lồ Phương Bắc và sự đồng thuận tạm thời của các phe nhóm lợi ích trong đảng vào thời điểm đảng đang trên đà tuột dốc thê thảm vì nạn tham nhũng đang ngày càng trầm trọng. Nếu so với đồng chí X (hơn nửa thế kỷ theo đảng, từng vào sinh ra tử), bác Cả Trọng chưa thấm vào đâu. Nhưng cái qúy nhất của bác Cả là đời tư liêm khiết và gia cảnh vợ con chưa hề có tai tiếng gì. Việc bác Cả quyết tâm chống “một bộ phận không nhỏ“ (“bầy sâu“) tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân với đảng và có nguy cơ làm sụp chế độ là một thiện ý tốt rất đáng ghi nhận. Nhưng bác Cả lại tự mâu thuẫn với chính mình khi kiên quyết đòi duy trì cho bằng được cái môi trường thuận lợi cho bầy sâu tham nhũng kia sinh sôi nảy nở (như giữ điều 4 và kiên quyết không tam quyền phân lập). Chính việc này đã là nguyên nhân sâu xa của sự thất bại ê chề. Nếu chưa muốn nói sự nghiệp chính trị của người đứng đầu ĐCS coi như kết thúc.

TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Vĩnh Phúc hôm 25/2/2013.
Lỗi là tại ông Trọng mà thôi, tuyên bố của ông ở Vĩnh Phúc đã đẩy ông vào thế đối đầu với dân chúng. Sau bài nói đó và cả bức thư của Nguyễn Đức Kiên uy tín của ông Trọng rớt thảm hại. Làm chính trị phạm những sai lầm kiểu ấy là sai lầm không thể sửa được. Các đối thủ của ông không nói ra nhưng rất biết và hết sức tận dụng điều đó. Mà, ông Trọng lại hoàn toàn không biết tự đánh giá lực lượng của mình (HN 6 đã thấy rõ…). Từ HN 6 đến HN7 đối thủ của ông không ngừng tập hợp gia cố uy tín ảnh hưởng. Lạ lùng là chính ông Trọng không biết điều đó. Làm chính trị lên đến chức vụ như ông mà như vậy quả thật là điều ngoài sức tưởng tượng. Không có gì để nói nữa… 
Đó là nhận định của hậu duệ cụ Ngô Đức Kế trên trang nhà của nhà văn Phạm Viết Đào (xem ở đây)

Cũng như hôm khai mạc (1/5), hôm qua (11/5), sau khi nghe ông Trọng đọc lời bế mạc HN7, vẫn lại phải nghe những lời tua đi tua lại cũ rích đổ tội cho các “thế lực thù địch“ chống phá làm suy yếu đảng và làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của đảng… Mới thấy sự lạc hậu của cỗ máy cũ do ông Trọng cầm lái đã tới mức nào rồi. Bình luận về việc này có ý kiến cho rằng, về mặt lý mà nói, chống tham nhũng là công việc của bên hành pháp. Hành pháp chống không được, hay không có chút tiến bộ nào, mà lại còn đầu têu, thì người đứng đầu hành pháp (thủ tướng) phải từ chức. Ngoài ra, chả có anh quái nào có tư cách chống tham nhũng cả.

Toàn cảnh HNTW 7 từ 1-11/5/2013
Người đứng đầu chế độ như ông Trọng, lẽ ra phải là người hơn ai hết phải hiểu điều này. Thay vì tinh giản bộ máy cồng kềnh cho đỡ tốn tiền thuế của dân, ông Trọng lại cho đẻ thêm ra hai cái ban đảng (trước đây đã bỏ đi). Chẳng qua hai ban mới này chỉ là công cụ làm tăng uy thế của TBT mà cũng là nhằm gia cố cơ chế đảng trị lên trên guồng máy nhà nước. Làm như vậy là đi ngược với thiết chế của một nhà nước pháp quyền. Nên đã bị vô hiệu hóa bởi chính những người đã từng đưa ông Trọng lên chiếc ghế đầu triều ngày hôm nay.

Hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ 
vì được bác Cả Trọng ưu ái mà đâm ra lỡ làng
Chỉ tội nghiệp cho hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ. Những gương mặt tương đối sáng trên chính trường thời gian qua. Hăng hái tham gia bài toán vô nghiệm của bác Cả mà thành nhỡ nhàng. Như ông Bá Thanh, ngoại lục tuần rồi. Không nắm chắc được kiếm trong tay… thật đi cũng dở mà ở thì không xong!
Nếu ở một đất nước dân chủ đa nguyên thì một người có năng lực như ông Bá Thanh, bị thất sủng ở đảng này có thể đầu quân hay đứng ra lập riêng một đảng chính trị khác. Nếu có tài và tâm mà lại được người dân tín nhiệm thì con đường hoạn lộ của những người như ông Thanh vẫn thênh thang chán. Nhưng với chế độ độc đảng toàn trị thì chấm hết (Stop). Như lời khuyên của blogger Trương Duy Nhất, ông Thanh nên sớm từ chức là hơn.
Bàn về chuyện thất bại của ông Trọng có độc giả nhận định:
Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh rớt Bộ Chính trị, mặc dù được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức ủng hộ cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng còn vô cùng gian nan. Không thể chống tham nhũng khi duy trì thể chế độc đảng, vì bản thân độc đảng chính là hiện tượng tham nhũng điển hình: tham nhũng chính trị – nguồn gốc của mọi tham nhũng.
Điều gì sẽ xảy ra, nếu Bá Thanh vào Bộ Chính trị xong, rồi trở cờ, bắt tay với đc X, Bình Ruồi và đồng bọn phe cánh? Sẽ là thảm họa cho đất nước và nhân dân.
Muốn thoát cảnh bế tắc này, chỉ có đi theo con đường đa nguyên chính trị, đa đảng, tự do, dân chủ đích thực mà hầu hết nhân loại văn minh đã lựa chọn, hòa nhập đầy đủ với thế giới, tranh thủ được ủng hộ của quốc tế. Khi ấy, có được lòng dân, chính quyền VN Hà Nội sẽ thoát vòng cương tỏa của Bắc Kinh, mở ra thời kỳ độc lập thật sự, dân giàu, nước mạnh.

Một độc giả khác thì than:
Thôi rõ rồi, không bỏ phiếu cho ông Thanh và ông Huệ cho thấy Hội nghị đã chống lại ông TBT Trọng, muốn ông Trọng và đảng của ông “nghỉ” thôi. Ông Phạm Quang Nghị cũng được báo trước là sẽ rớt ghế TBT khoá tới, vì “bị” ông Trọng đề xuất. Rõ ràng có một xu hướng chính trị mới xuất hiện.
Còn blogger nổi tiếng Nguyễn Huy Canh cũng góp lời:
"Nếu tôi là UVTW, được bỏ phiếu, tôi cũng sẽ bỏ phiếu chống lại ông Cả Trọng. Vì bây giờ ông vẫn còn khuyên người ta quay lưng lại với tiền bạc, với cám dỗ vật chất. Ông định biến tất cả cán bộ nhà nước và chúng ta thành nhà sư ư? Ông vẫn quyết tâm sở hữu toàn dân về đất đai, đó chính là ý chí của Marx đã trở thành lỗi thời, là tàn dư của tư duy Phật giáo; ông vẫn quyết không tam quyền… chính ông là người mong muốn, là kẻ đam mê quyền lực nhất hòng trị vì cả dân tộc này theo cách của những kẻ chăn cừu. ** "

Hiện tình của Đảng CSVN hiện nay được ví như một quả bưởi ngoài bóng trong khô. Trông chờ có được một phép lạ thay đổi chỉ là điều không tưởng. Bởi đáng ra trong lúc kinh tế đất nước đang suy thoái như hiện nay, những người đứng mũi chịu sào phải đoàn kết tạo thành một khối vững chắc để lèo lái con thuyền vượt qua cơn khủng hoảng thì nội bộ lãnh đạo quay ra tỷ thí tranh giành quyền lực bách hại muôn dân.

Vậy nên đồng giao mới xuất hiện trên mạng gần đây đang loan truyền câu ca như thế này:

Thịt xôi ngập ngụa vương triều
Rằng ông Tổng Trọng chẳng điều được quân
Đảng đang phân liệt chia phần
Các nhóm lợi ích xoay vần choảng nhau…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét