Chân lý muôn thuở của những người đấu tranh chính trị là đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết. Hơn ai hết, CSVN hiểu rõ nguyên lý này. Thế nhưng tại sao CSVN đang chia rẽ trầm trọng và sẽ tiếp tục chia rẽ cho đến chết? Để trả lời câu hỏi, mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Tại sao CSVN chia rẽ hơn CSTQ", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế, dưới sự chỉ đạo của Lê Nin, chính phủ chỉ là công cụ hoặc là cánh tay nối dài của đảng toàn trị.
Tuy nhiên, khi quan sát tình hình chính trị Việt Nam chúng ta nhận thấy giữa người đứng đầu chính phủ, tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và người đứng đầu đảng CSVN là TBT Nguyễn Phú Trọng, cùng phe nhóm của mỗi bên hầu như mang một mối thù 'bất cộng đái thiên'.
Thêm vào đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 vừa qua, rõ ràng là một âm mưu của đảng nhằm hạ bệ người đứng đầu chính phủ, cho dù âm mưu này bị thất bại ê chề nhưng đảng vẫn không chịu thua. Việc điều động Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng là Nguyễn Bá Thanh ra làm Trưởng Ban Nội Chính Trung ương mục đích là muốn triệt hạ Nguyễn Tấn Dũng, cho thấy cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn bất phân thắng bại.
Trong khi đó tại Trung Quốc, thế giới chứng kiến sự chuyển quyền từ ê-kíp Hồ Cẩm Đào (cựu Chủ tịch đảng) và Ôn Gia Bảo (cựu Thủ tướng chính phủ), sang một ê-kíp lãnh đạo mới là Tập Cận Bình (tân Chủ tịch đảng) và Lý Khắc Cường (tân Thủ tướng chính phủ), trong tinh thần hài hòa giữa đảng và chính phủ.
Câu hỏi đặt ra tại sao có sự khác biệt này trong khi cả 2 đảng đều là CS toàn trị?
Bản chất của các đảng CS giống như những định chế quyền lực khổng lồ, họ đặt căn bản trên niềm tin mù quáng vào một chủ nghĩa đại đồng không tưởng. Tuy nhiên theo thời gian, ý niệm về một thế giới đại đồng đã chứng tỏ nó vô cùng ngây ngô, bởi 2 đảng CS đàn anh lãnh đạo thế giới là Liên Xô và Trung Quốc liên tục xung đột, tranh giành ảnh hưởng với nhau trong thế giới của họ.
Lịch sử phải ghi nhận rằng đảng CSTQ đã ý thức rõ bản chất phù phiếm của chủ nghĩa CS. Thiên tài của Đặng Tiểu Bình là đã kịp thời thay thế niềm tin và lý tưởng Mác Xít bằng quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế. Một mặt họ Đặng nhanh chóng tư bản hóa nền kinh tế TQ hầu khai phóng khả năng sáng tạo của cải trong xã hội. Mặt khác đảng nắm chặc quyền lực chính trị, cho phép cán bộ được quyền trục lợi từ thành quả của phát triển kinh tế. Cái xuất sắc của họ Đặng là nhìn rõ vấn đề rất sớm, từ năm 1975. Sở dĩ toàn bộ đảng CSTQ mãi đến ngày hôm nay đều trìu mến nhắc tới Đặng Tiểu Bình như là một "nhà lãnh đạo tối cao" (Paramount leader), bởi nếu không có thiên tài này thì số phận của đảng CSTQ cũng giống như các đảng CS Liên Xô và Đông Âu rồi!
Trong khi đó, đảng CSLX vẫn không nhìn rõ sự suy thoái niềm tin trong nội bộ đảng. Mãi đến thập niên 90 thì lúc đó khoảng trống niềm tin đã quá trầm trọng, toàn bộ hệ thống CSLX cũng như Đông Âu đã sụp đổ theo bức tường Bá Linh. Cái thiếu may mắn của CSLX là Gorbachev lên nắm quyền quá trễ vào năm 1985, ông là một người quá lý tưởng nên thiếu những nhận định khách quan về bản chất duy lợi của con người như họ Đặng. Gorbachev hoặc đã không biết, hay không muốn thay thế niềm tin và lý tưởng bằng quyền lực và quyền lợi như Đặng Tiểu Bình. Kết quả là đảng CSLX bị tiêu vong.
Đảng CSVN là một thành phần cấu trúc của Đệ Tam Quốc Tế, do đó cũng phải kinh qua những thăng trầm tương tự. Vì quá giáo điều và mê tín, họ đã tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào ý thức hệ Mác-Lê và mô hình Liên Xô.
Trong cuộc tương tranh giữa CSLX và CSTQ, CSVN đã thiên vị Liên Xô qua hình thức đóng quân tại Lào và Cam bốt, và làm công cụ cho Liên Xô chận đứng bước đường phát triển ảnh hưởng về phía nam của Đặng Tiểu Bình. Vì thế vào năm 1979, họ Đặng đã dạy cho CSVN một bài học cay đắng.
Các phân tích gia chính trị đều nhận xét, CSVN quá tin tưởng vào Liên Xô nên đã vô cùng tuyệt vọng khi thấy khối CS tại Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ hòan tòan vào thập niên 90.
Với bản chất lệ thuộc, CSVN đã thực thi 2 điều căn bản để sống còn: Một, là đánh cắp điều 6 hiến pháp của Liên Xô và hiến định hóa thành điều 4 hiến pháp, một cách gián tiếp hiến định hóa sự lãnh đạo độc tôn của đảng. Hai, là họ lập tức xoay chiều thần phục đảng CSTQ và áp dụng chính sách duy lợi của Đặng Tiểu Bình tại Việt Nam.
So sánh sự khác biệt căn bản giữa 2 đảng CSTQ & CSVN. Đảng CSTQ ít thành phần cuồng tín vào chủ nghĩa Mác-Lê hơn CSVN. Mặc dù họ đều là CS, nhưng CSTQ được sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Họ Mao không những là một nhà quân sự có tài mà còn là một tư tưởng gia có tầm vóc, vì thế đảng CSTQ có sự tự hào và tự chủ dân tộc. Trong khi đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, người luôn tự nhận mình là học trò của Mác-Lê, Stalin và Mao Trạch Đông. Chẳng hạn, hiện nay mô hình cấu trúc quyền lực nội bộ của CSVN bắt chước theo khuôn mẫu công an trị của Liên Xô.
Đảng CSTQ thực tế và ít giáo điều hơn. Kinh tế TQ cũng phát triển nhanh hơn kinh tế Việt Nam. Ngòai ra CSTQ có sự đoàn kết giữa đảng và nhà nước hơn, trong khi CSVN có khuynh hướng giáo điều. Chẳng hạn phe của TBT Nguyễn Phú Trọng đang tranh giành quyền lực với phe của TT Nguyễn Tấn Dũng....
Do phát xuất từ bản chất nội tại nên qua gần 70 năm lịch sử, cuộc tranh chấp này đã vô phương cứu chữa, nó sẽ đưa chế độ CSVN đến nạn diệt vong một cách nhanh chóng.
Đà Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét