Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Đảng viên CSVN cấu kết thành ‘nhóm lợi ích’ để trục lợi

Radio CTM
Đảng viên CSVN cấu kết thành ‘nhóm lợi ích’ để trục lợi
Lần đầu tiên, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN (UBKT TƯ Đảng CSVN), cơ quan chuyên trách về thanh tra trong nội bộ Đảng CSVN thực hiện và công bố một nghiên cứu về các “nhóm lợi ích” trong guồng máy đảng và nhà nước.
Kết quả nghiên cứu từ UBKT TƯ Đảng CSVN, nhận định: “Hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng càng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi nghi ngại là có việc làm ăn, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”.
Nghiên cứu thừa nhận: “Trong khi mặt bằng kinh tế chung còn thấp mà trong xã hội có một số người chơi ngông, xài sang hơn cả ở các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận, đa phần là những người có được nhiều tiền nhờ sự kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám… Thói hưởng lạc, sống gấp, hợm hĩnh, vênh vang về đồng tiền có được của không ít người là nhờ các mối quan hệ không bình thường với cán bộ, đảng viên có chức, quyền trong các cơ quan công quyền, hoặc có thể là do tham nhũng, ăn cắp, nhận hối lộ”.
Cơ quan này liệt kê một loạt hình thức câu kết mà dư luận đã từng hệ thống trước đó:
-          Nhóm thân hữu: có quan hệ hai chiều trong việc viên chức dàn xếp để doanh nghiệp nhận được ưu đãi. Ngược lại, doanh nghiệp hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của viên chức, hoặc là cung cấp cho viên chức phương tiện để leo cao hơn, để lo lót khi doanh nghiệp phạm sai lầm và cung phụng cho những người thân thiết của viên chức.
-          Nhóm chung lợi ích: Khoảng 40% doanh nghiệp được phỏng vấn thừa nhận có sử dụng quan hệ với quan chức để trục lợi. Khoảng 20% thừa nhận, sử dụng hối lộ để đạt mục đích. Ủy ban Nhân dân các cấp, cán bộ quản lý ngành là những đối tượng nằm trong nhóm này.
-          Nhóm lợi ích cục bộ: Gồm những viên chức sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp.
-          Bảo kê cho các hoạt động phi pháp: Viên chức bảo kê cho doanh nghiệp buôn lậu, buôn bán má túy, hoạt động mại dâm. Kể cả bảo kê sử dụng đất công để giữ xe, làm dịch vụ. Ngoài ra, còn có cả tình trạng viên chức hưởng hoa hồng quá mức quy định công khai trong hợp đồng, lợi dụng thông tin công vụ (quy hoạch đất, xây dựng hay cải tạo đường sá, đô thị, đầu tư công) để trục lợi.
UBKT TƯ Đảng CSVN cũng nhìn nhận, một số doanh nghiệp đã thành lập một nhóm mà nhiệm vụ là mở rộng quan hệ với chính quyền và viên chức.
Nghiên cứu của UBKT TƯ Đảng CSVN, viết thêm rằng, bản chất mối quan hệ không bình thường giữa viên chức với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt, dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm” chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên sẽ ra tòa ngày 16/5
Bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, trong chuyến thăm nuôi con gái hôm 26/4, bà được báo Phương Uyên sẽ ra tòa ngày 16/5 tới vì tội gọi là Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN và thông tin này cũng đã được chuyển tới luật sư Nguyễn Thanh Lương, luật sư bào chữa cho Phương Uyên.
Theo bà Nhung thì lần thăm nuôi này, hai mẹ con không được gặp mặt trực tiếp mà phải nhìn nhau qua một tấm kính trắng rất to, cách âm và nói chuyện bằng điện thoại.
Bà cho biết trên cổ, ngực và cánh tay của Uyên có nhiều chỗ tím bầm. Hỏi thì Uyên nói là bị người cùng phòng đánh, bị đạp vào bụng và ngực đến lúc ngất xỉu thì mới được mang đi cấp cứu.” Cô bị đánh hoàn toàn vô cớ, không có lý do gì.
Theo giải thích của trại giam thì những người đánh Uyên là “đối tượng nghiện ngập” và đã bị chuyển đi chỗ khác.
Phương Uyên yêu cầu mẹ gửi cho bộ quần áo mới để mặc ra tòa.
Theo một nguồn tin khác thì sinh viên Đinh Nguyên Kha cũng sẽ ra tòa vào ngày 16/5 này.
Bản cáo trạng vu cho cả hai người cái tội “Tuyên truyền chống nhà nước” vì đã “rải truyền đơn” chống bá quyền Trung Quốc và bêu xấu Công an, lãnh tụ cũng như đảng Cộng Sản Việt Nam.
Bản cáo trạng cũng buộc tội hai người làm các lá “cờ vàng ba sọc đỏ”. Sinh viên Đinh Nguyên Kha còn bị vu cho tội khủng bố vì khám xét nhà thấy có một ít thuốc pháo mà bà mẹ của anh cho biết thứ đó bán công khai ở chợ Kim Biên Sài Gòn để người ta làm pháo lậu đốt trong dịp tết.
Nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD
Bên lề cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với VN” do Viện hàn lâm Khoa học VN tổ chức ngày 25-4, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 – gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.
Nợ công của VN vì sao lại chỉ bằng một nửa so với cách tính của thế giới? TS Nguyễn Trọng Hậu cho rằng thế giới có tiêu chí nợ công chung, họ có năm thành tố thì VN chỉ có ba. Có hai yếu tố chưa được tính vào nợ công của VN đó là nợ của DNNN và khoản Nhà nước vay của quỹ hưu trí.
Như hiện nay có rất nhiều “đại gia” bất động sản có thể vay nợ nước ngoài. Đây không phải nợ công nhưng khi các “đại gia” phát triển đến quy mô rất lớn mà nếu để các doanh nghiệp này đổ vỡ có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các “đại gia” không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Như thế cũng tạo nguy cơ rất lớn khiến phình nợ công rất nhanh.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch – đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.
Các nhà khoa học cũng đồng tình với nhận định của TS Hồ khi cho rằng cái khó nhất nói về thực trạng nợ công của VN là thiếu số liệu và không đủ tin cậy. Thời gian cập nhật nợ công của các nước là hằng quý, còn ở VN Bộ Tài chính mới chỉ công bố đến năm 2010 và ước tính đến năm 2011 thôi.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ThS Đinh Mai Long – Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước – nêu trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại VN tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá.
Mặt khác, ông Long cũng lưu ý là vay nợ từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây – khoảng 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ gia tăng nợ công khoảng 15%/năm đang dần “bắt kịp” tốc độ tăng thu ngân sách khoảng 17-21%, có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét