Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Khi đảng Cộng sản tự giải thể



Một bài học quan trọng chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm các quốc gia trên đà dân chủ hóa là: Các đảng CS trong bản chất là những nhóm quyền lợi bao trùm chính quyền và xã hội. Một tập thể như thế không thể được trao quyền chủ động tiến trình dân chủ hóa trong một quốc gia. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Khi đảng cộng sản tự giải thể" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Sau khi chế độ quân phiệt ở Miến Ðiện chấp nhận con đường dân chủ hóa, nhiều người nghĩ đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nên theo gót họ. Theo một cách giản dị là họ có thể sửa đổi hiến pháp, bãi bỏ độc quyền thống trị của đảng, bắt đầu nới lỏng cho các quyền tự do phát biểu, tự do hội họp và sau cùng tổ chức bầu cử cho nhiều đảng chính trị tham dự. Như vậy, họ có thể tuyên bố bắt đầu một tiến trình dân chủ hóa, như giới tướng lãnh ở Miến Ðiện đang làm.
Không biết những người cầm đầu đảng Cộng Sản VN có khả năng và can đảm dấn bước trên con đường như vậy không. Nhưng nếu họ làm như thế thật, thì có thể đáng lo cho nước Việt Nam. Vì trong quá khứ đã có một đảng Cộng Sản đi theo con đường đó vào năm 1990, ở Bulgaria. Cho đến nay chế độ dân chủ ở nước đó vẫn chưa thực sự trưởng thành, mà vì thế nền kinh tế tiến chậm nhất trong số các nước Cộng sản cũ ở Ðông Âu.
Tại các nước thay đổi chế độ khác, kinh tế suy sụp sau khi thay đổi thể chế vì thời gian chuyển tiếp gian nan. Nhưng không có nước nào mà tình trạng kinh tế suy yếu kéo dài như ở Bulgaria. Tại các nước khác, kinh tế suy yếu nhưng không làm cho dân chúng mất tin tưởng vào thể chế dân chủ; nhờ thế đời sống ngày càng được cải thiện.
Tại Bulgaria thì khác. Kinh tế xuống quá khiến người dân chán cả thể chế tự do dân chủ. Mức sống giảm 40% trong 14 năm sau khi thay đổi chế độ. Lạm phát có lúc lên tới 122% một năm (1994) - tức là giá hàng hóa tăng gấp đôi - và tăng gấp bốn (311%, năm 1996). Ðến năm 1997, một chính phủ không Cộng Sản đắc cử, quyết tâm cải tổ cơ cấu và ngân hàng, nhờ thế dần dần khôi phục được niềm tin, kinh tế bắt đầu hồi phục. Từ năm 2000, sau khi việc đổi mới kinh tế được thực hiện toàn diện, kinh tế Bulgaria mới gia tăng với một tốc độ trung bình 6%, ngân sách chính phủ bắt đầu thặng dư. Trong năm 2012, lợi tức bình quân của dân Bulgaria đã lên trên 14,000 đô la Mỹ một năm, và tỷ lệ thất nghiệp dưới 10%. Tuy nhiên, viễn tượng phát triển kinh tế lâu dài ở Bulgaria vẫn chưa sáng sủa vì guồng máy chính quyền vẫn còn đầy tham nhũng, hệ thống tư pháp chưa vững chắc, vì thế quyền tư hữu cũng bấp bênh khiến giới đầu tư chưa yên lòng.
Tại sao con đường phát triển kinh tế và dân chủ hóa ở Bulgaria gặp nhiều chướng ngại như vậy? Nguyên do là vì đảng Cộng Sản Bulgaria đã "cướp thời cơ", tự đứng ra thay đổi chế độ, để tiếp tục giữ quyền bính dưới một tên gọi mới. Ðây là một kinh nghiệm mà người Việt Nam cần nghiên cứu để tránh vết xe đổ.
Năm 1989, biến cố trong vùng Ðông Âu khiến đảng Cộng Sản Bulgaria lo sợ. Một ngày sau khi bức tường Berlin đổ (9 Tháng Mười Một năm 1989), Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Bulgaria đã họp nhau truất phế Tổng Bí Thư Todor Zhivkov, bầu một người mới. Nhóm lãnh đạo mới bắt đầu chương trình cải tổ chính trị theo trình tự của họ; mục đích để kiểm soát tình hình việc thay đổi. Tháng Hai năm 1990, đại hội đảng đã biểu quyết xóa bỏ điều số 1 trong hiến pháp giành độc quyền lãnh đạo cho đảng, cũng giống xóa bỏ như điều 4 ở Việt Nam. Ðể có một bộ mặt dân chủ hóa giống như thật, đảng Cộng Sản mời một nhóm người được coi là "đối lập" tới họp một "Hội nghị Bàn tròn" bàn công việc cải tổ chính trị.
Sau đó, đảng Cộng Sản Bulgaria đổi tên thành đảng Xã Hội, và quyết định tổ chức bầu cử ngay vào Tháng Sáu. Thời gian bốn tháng này quá ngắn, không một đảng chính trị nào đủ sức tổ chức với nhau, cho nên đảng Xã Hội thắng phiếu, tiếp tục nắm quyền một cách chính đáng! Trong cuộc vận động, họ còn đi phao tin ở các vùng thôn quê rằng nếu đảng đối lập Liên Minh Lực Lượng Dân Chủ thắng thì sẽ cắt hết tem phiếu, dân sẽ không thể mua được đủ thực phẩm mà ăn! Năm 1992, đảng Xã Hội thất cử, dân được tự do bỏ phiếu đã chọn Liên Minh Lực Lượng Dân Chủ. Nhưng luật lệ bầu cử trong hiến pháp do đảng Cộng Sản viết ra đưa tới tình trạng quá nhiều đảng phái. Cho nên chính quyền cũng không có đủ đa số trong Quốc Hội để thực hiện các chương trình đổi mới kinh tế. Phe đối lập lên nhưng cũng có khuynh hướng muốn nắm toàn quyền, theo lối Cộng Sản! Năm 1994, phe không Cộng Sản lại thua, đảng Xã Hội, tức Cộng Sản cũ, lại chiếm đa số trong Quốc Hội. Họ nắm quyền trở lại nhờ liên minh với phong trào bảo vệ môi trường sống. Cho tới năm 1997, liên minh các đảng phái dân chủ mới được bầu trở lại cầm quyền. Trong thời gian hơn 10 năm từ khi đảng Cộng Sản tự thay đổi thể chế, guồng máy nhà nước vẫn nằm trong tay "chế độ cũ". Giống như ở các nước thay đổi kinh tế mà không thay đổi chính trị, các "cựu đảng viên" Cộng Sản Bulgaria vẫn còn cơ hội sử dụng quyền hành trong tay để làm giàu cho chính họ! Vì vậy tình trạng tham nhũng, dĩ công vi tư, lạm dụng quyền hành vẫn tiếp tục.
Một tai họa cho dân Bulgaria là khi các đảng viên Cộng Sản tiếp tục nắm quyền thì họ có phương tiện để ngăn cản các kế hoạch cải tổ kinh tế, nếu đụng tới quyền lợi họ đang hưởng. Bulgaria còn bị hai tai họa khác diễn ra vì cuộc chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ chậm chạp trong một thời gian quá dài. Một là nạn mất chất xám khi những người có học và giới chuyên gia bỏ nước ra đi rất nhiều; hai là các băng đảng tội phạm ngày càng mạnh vì xã hội bất ổn.
Nếu đọc lại lịch sử Bulgaria, chắc các người cầm đầu đảng Cộng sản Việt Nam có thể thấy một đường "hạ cánh an toàn;" là chính họ bắt đầu việc thay đổi chính trị. Họ sẽ cố nắm quyền kiểm soát các bước cải tổ để có thể tiếp tục nắm quyền. Dù bỏ điều 4 trong hiến pháp, dù chấp nhận đa đảng và bầu cử tự do, họ vẫn có cơ hội đóng vai chủ nhân ông trong một thời gian dài!
Nhưng người dân Việt Nam cũng biết đọc lịch sử để rút kinh nghiệm. Chắc chắn không ai muốn bị lừa gạt, như dân Bulgaria đã mắc bẫy.
Ngô Nhân Dụng

MÀU ĐỎ, MÀU XANH VÀ MÀU TRẮNG



Ba mươi tám năm qua niềm hận thù vẫn còn nguyên trong lòng những kẻ ở Ba Đình, con rắn độc trong lòng họ vẫn sống nguyên. Kẻ thắng cụôc vẫn thẳng tay trù dập đồng bào của họ một cách không thương tiếc. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Antonie Nguyễn có tựa đề: " Màu đỏ, màu xanh và màu trắng" sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Màu đỏ trên lá cờ Việt Nam là màu đỏ của máu! Vâng, chính xác là màu đỏ của máu. Người ta nói nó "mang ý nghĩa tượng trưng cho máu của những chiến sĩ cách mạng đổ ra để giành lại nền độc lập dân tộc". Màu đỏ là màu của cách mạng! Vì cách mạng luôn gắn liền bạo lực nên màu đỏ cũng luôn gắn liền bạo lực. Nhưng không chỉ có máu của các "chiến sĩ cách mạng" đã đổ ra...
Bên kia vĩ tuyến 17 năm nào, đất nước Việt Nam Cộng hòa đã từng tồn tại ngót hai mươi năm. Hai mươi năm binh lửa tang thương. Máu của hàng triệu quân nhân, dân thường trên đất nước này cũng đã đổ ra trong cuộc chiến Việt Nam. Một đất nước với đầy đủ chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc, dù sau năm 1975 đã không còn tồn tại, thì chúng ta cũng đừng bao giờ gọi họ là "Ngụy quân, Ngụy quyền". Cái kiểu gọi đó vô cùng xa lạ, mang tính miệt thị sâu sắc ,kết quả là tăng thêm lòng hận thù mà thôi.

Máu của người Việt cũng đổ ra trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, năm 1979. Một cuộc chiến đẫm máu nhưng anh hùng. Người Việt, chứ không phải Tầu, đã thực sự "dạy cho đối phương một bài học". Nhưng cuộc chiến đã bị giới cầm quyền cố tình đẩy vào quên lãng!
Máu của người Việt cũng đã đổ ra ở Trường Sa năm 1988, để cố giữ hải đảo cho quê hương. Máu của người Việt cũng đã đổ ra ở Hoàng Sa năm 1974. Dù Việt Nam Cộng hòa đã không giữ được Hoàng Sa trước kẻ xâm lược Trung Cộng, nhưng sự anh dũng "vị quốc vong thân" của 74 chiến sĩ hải quân thì lịch sử không bao giờ quên!
Có bao giờ bạn đổi avatar để kỷ niệm những sự kiện ấy?
Máu của người Việt cũng đã đổ ra bởi chính tay người Việt! Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, Nhân văn – Giai phẩm, học tập cải tạo sau 1975, những trại tù giam giữ người vô tội... Một câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên: "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng", đã bị thằng bạn tôi chua chát sửa lại thành "Tổ quốc bao giờ vô đạo thế này chăng?"
Có những người trong số chúng ta đang hân hoan vì cái ngày gọi là "giải phóng dân tộc", nhưng ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng CSVN, từng nói một câu thẳng thắn, "có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn". Chúng ta đừng vui những niềm vui hời hợt, đừng hô hào những khẩu hiệu được người ta viết sẵn. Lịch sử vẫn luôn để ngỏ cho chúng ta mọi khả năng và chi tiết để phán đoán. Chỉ cần mở ra, bạn sẽ thấy! Người Việt có truyền thống "yêu nước thương nòi", "môi hở răng lạnh"... chứ không có truyền thống thù hằn và chống lại nhau! Chống lại nhau vì sự khác biệt ý thức hệ.
Nguyễn Duy từng đau đớn thốt lên: "Nghĩ cho cùng mỗi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại".
Khi chúng ta thay avatar mừng cái ngày gọi là "giải phóng", thì đừng quên rằng sau ngày ấy, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, phải bỏ mình nơi biển cả, phải chịu đọa đày trong những trại cải tạo, bị vùi dập suốt phần đời còn lại... Đất nước cần ở chúng ta một tấm lòng, chứ không cần một phong trào chỉ thổi qua như cơn bão cát.
Nếu các bạn muốn nhuộm đỏ không gian mạng, nó sẽ tốt đẹp theo ý các bạn muốn. Nhưng hãy giữ cho mình màu xanh của hi vọng. Hi vọng một ngày chúng ta bước thẳng một cách hiên ngang, chứ không cúi mặt bước đi bằng cái đầu gối như hiện tại. Hi vọng một ngày người Việt không còn chĩa vào nhau mũi dùi thù hận. Non sông đã "thu về một mối" mà lòng chúng ta vẫn trăm mối tơ vò! Hi vọng một ngày chúng ta có những nhà lãnh đạo đủ khả năng và đủ nhân hậu, chứ không phải là những tên "đầy tớ" giả nhân giả nghĩa, chỉ biết tôn thờ một ý thức hệ ảo tưởng, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích dân tộc, nhân dân.
Và hãy giữ cho mình màu trắng đơn sơ. Đó là sắc màu của sự thật. Sự thật của chúng ta đã bị đám mây thời cuộc che phủ một màu u ám. Nhưng sẽ có ngày sự thật được trả lại cho chúng ta. Chúng ta phải đứng trên đôi chân của sự thật. Vì chỉ có sự thật mới thật sự giải phóng con người...
Antonie Nguyen

Nỗi buồn tháng Tư


000_Hkg2309681-305.jpg
Tranh ảnh cổ động cho ngày 30 tháng 4 diễn ra hàng năm trên khắp nước Việt Nam.
AFP photo
Hiện là thời điểm đánh dấu Biến Cố 30 tháng tư, năm 1975 khi Miền Nam VN Tự do rơi vào tay người CS. Theo blogger Thuỳ Linh thì biến cố ấy, dù cho tới nay đã 38 năm, vẫn là “một ngày rất buồn”:
Đó là một ngày rất là buồn vì bao nhiêu sinh mạng con người đã ngã xuống trên mảnh đất này mà chưa đem lại một nền hòa bình thực sự do vẫn còn cuộc chiến trong ý thức, trong cách hành xử của cả bên thắng lẫn bên thua. Niềm vui chiến thắng của một bộ phận người Việt không thể che lấp nỗi buồn của nhiều người.
Qua tác phẩm “Bên thắng cuộc”, “mấy lời của tác giả” Huy Đức, tức blogger Osin, cho biết rằng cuốn sách của ông “ bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn 30 năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hoá ra lại là miền Bắc”.
Khi viết về “Buồn Vui Tháng Tư”, nhà văn Sơn Tùng cư ngụ tại Virginia, Hoa Kỳ không khỏi “Thật đau lòng và cũng thật đáng tự hào cho những người đã đứng trong hàng ngũ ‘bên thua cuộc’ vào ngày 30.4.1975”. Theo nhận xét của nhà văn Sơn Tùng, thì “ không bao lâu sau, ‘bên thắng cuộc’ đã dần dần biến thành thua bại. Bắt đầu tuột giốc không thể kìm hãm”. Nhà văn Sơn Tùng phân tích:
Từ tháng 4.1975, hàng triệu người đã tìm mọi cách ra đi, không chấp nhận đời sống nô lệ. Đến nay đã có khoảng ba triệu người sống ở hải ngoại. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên đường vượt thoát. Cái nhìn của thế giới đã xoay chiều đối với “giải phóng”, kể cả một số khuôn mặt phản chiến cỡ lớn trước kia. Nền kinh tế quốc doanh đã tới bên bờ vực thẳm để chôn vùi tất cả những giấc mơ điên rồ khiến cộng sản phải “đổi mới” kinh tế, trở lại làm ăn kiểu “kinh tế thị trường” của tư bản, nhưng lại theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” (!), khai sinh ra giai cấp tư bản đỏ, tệ hại gấp ngàn lần lớp tư bản cũ mà Karl Marx lên án. Cuộc cách mạng nhân danh giai cấp vô sản đã biến thành con quái vật hung bạo dày đạp trên lưng đám dân nghèo.
Có lẽ Dương Thu Hương là người đầu tiên công khai lên tiếng tố cáo đã bị “đảng” lừa, mở đường cho những cán bộ viết khác nói lên sự thật, nhưng niềm tin vào “đảng” đã đổ vỡ rất sớm.
Biến cố 30 tháng Tư năm 1975 tạo điều kiện cho người CS – nói theo lời sử gia Trần Gia Phụng cư ngụ tại Toronto, Canada – “huyênh hoang tự hào là họ là kẻ thắng cuộc”, thực hiện được điều họ gọi là “giải phóng miền Nam”. Nhưng ông Trần Gia Phung nêu lên câu hỏi rằng “ Sau khi CS làm chủ toàn bộ đất nước, CS có thật sự là bên thắng cuộc hay không?”.
Qua bài “30-4-1975: Thắng cuộc hay tội đồ ?”, tác gia Trần Gia Phụng nhắc lại:
Ngay tức khắc, sau khi CS chiếm (miền)Nam VN, khoảng 150,000 người di tản ra nước ngoài. Tiếp đến là phong trào vượt biên. Dầu Cộng Sản kiểm soát gắt gao, khoảng trên 1 triệu 500 ngàn người bỏ nước ra đi bằng tất cả các phương tiện,(mà như người ta thường nói) “cây cột đèn cũng muốn ra đi”, trong đó khoảng 500.000 người bỏ mình ở biển Đông. Biển Đông trở thành nghĩa địa biển lớn nhất thế giới. Ở trong nước, nhiều phong trào nổi lên chống đối Cộng Sản đều bị đàn áp. Như thế, CS chiến thắng bằng súng ống, chiếm được đất đai, nhưng hoàn toàn thất bại về nhân tâm, không chiếm được lòng người, không thống nhất được lòng dân.
Tác giả cũng không quên cảnh trớ trêu là những người dân Việt bỏ nước ra đi liền bị Hà Nội gán gội “phản động”, “chạy theo bơ sữa đế quốc Mỹ”, nhưng sau đó, bỗng chốc họ trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”; và “những khúc ruột ngàn dặm ấy” được nhà nước kêu gọi hoà hợp hoà giải cũng như góp phần xây dựng đất nước. Nhưng đại đa số người Việt hải ngoại chẳng có nhu cầu này với một chế độ toàn trị.

Ưu tư về tương lai đất nước

DSC00315-250.jpg
Băng rôn cho ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5 tại Hà Nội. RFA photo
Theo ông Trương Quốc Việt, một công dân VN đang tạm trú tại Úc và vừa thực hiện chuyến “Độc hành cho Nhân quyền VN” qua 13 thành phố và các thủ phủ của những tiểu bang Victoria, New South Wales và Queensland của Úc, thì “ngày 30 tháng Tư là một ngày buồn – rất buồn”. Ông Trương Quốc Việt cho biết:
Nỗi buồn ấy không phải chỉ riêng tôi hay gia đình tôi, mà còn đến với rất nhiều người khác, nhất là trong nước. Đó là một ngày buồn – rất buồn ! Tại vì cái ngày ấy đem đến nhiều khó khăn cho dân tộc, mà trong nước, chúng tôi không thể nào nói lên được những nỗi khó khăn đó. Cho nên mình cảm thấy giống như đang ở tù, luôn chịu đựng sự kìm kẹp, luôn phải cảnh giác. Do đó, người dân thực sự không có tự do. Trong khi đó thì nhà cầm quyền CSVN cứ rêu rao đủ thứ tự do, rồi lễ lớn 30 tháng Tư…Nhưng thực ra, có nhiều người dân trong nước không vui gì đâu !
Qua bài “Nỗi buồn tháng Tư”, blogger Đoàn Vương Thanh không khỏi liên tưởng đến “thân phận con người” – dù đó là những phụ nữ chất phác miền quê phải “tha phương cầu thực” ở xứ lạ quê người để rồi bị mắc bẫy, hay những nông dân ở lại quê hương trở thành dân oan ngay trên mảnh đất cha ông để lại. Tác giả nêu lên câu hỏi:
Vì sao, đất nước sau gần 40 năm được thống nhất, có độc lập, hòa bình mà vẫn có mấy chục vạn phụ nữ trẻ phải “trần như nhộng” để “bọn nước ngoài” lựa chọn... Ai đã cấp hộ chiếu cho gần 30 vạn phụ nữ sang Hàn Quốc, Đài Loan “tìm chồng”, “lấy chồng”, trong khi trong nước còn có đến 30 vạn gái (phải bán thân) ?..Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thứ của Đảng, đã dũng cảm thừa nhận “đi đến đâu cũng thấy người hư hỏng…” mà họ lại chính là những người của ông, đã được rèn luyện phấn đấu nhiều năm. Bộ máy chính quyền vừa đông vừa không được việc, vừa nhiều vừa quan liêu. Cơ quan hành chính thì “hành dân là chính”, dân khiếu nại theo luật định thì bị ghép vào tội làm mất trật tự xã hội…
Khi “Viết cho tháng tư”, blogger Huỳnh Thục Vy lưu ý rằng “ ‘sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước’ đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước ‘giải phóng’ hơn hẳn Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan. Huỳnh Thục Vy nêu lên câu hỏi rằng “nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?”. Khi đề cập tới “tình tự dân tộc”, blogger Huỳnh Thục Vy cho biết:
Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạt, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao?

Trao đổi thư tín với Thính giả


000_Hkg8442476-305.jpg
Anh Đoàn Văn Vươn tại phiên xử ở Tòa án Hải Phòng hôm 2 tháng 4 năm 2013.
AFP PHOTO

Mở đầu mục “Trả lời Thư Tín” hôm nay. Thay mặt ban Việt ngữ, Hòa Ái kính lời cảm ơn đến tất cả quý vị đã gửi tin nhắn cũng như email về liên lạc với đài ACTD trong thời gian vừa qua.
Về các chương trình phát thanh, Hòa Ái nhận được email của thính giả Nguyen Du Khoan ở Paris, Pháp quốc cho biết không hài lòng về thời gian đăng tải các chương trình phát thanh bị chậm trễ.
Đồng thời, Hòa Ái cũng nhận được tin nhắn báo là không tải được các chương trình phát thanh để nghe lại vào trong điện thoại sau khi trang web của đài đổi sang giao diện mới.
Sau khi kiểm tra với ban kỹ thuật, Hòa Ái kính mong quý thính giả để ý đến hướng dẫn của Hòa Ái trong phần sau. Có 2 cách để nghe lại và tải xuống các chương trình phát thanh hằng ngày:
Quý thính giả sau khi vào được trang chính của website qua đường kết nối RFATiengViet.net hoặchttp://achautudo.info
Cách thứ nhất: phía bên tay phải trên cùng của trang chính, quý vị sẽ thấy một biểu tượng hình cái loa màu xanh dương và chữ “Nghe đài”. Quý vị chọn bấm vào “Nghe các chương trình mới nhất”. Các chương trình phát thanh đã phát sóng hiện ra theo thứ tự ngày giờ. Quý vị có thể chọn bấm vào để nghe hoặc để download, nghe sau.
Cách thứ hai: Phía bên tay phải dưới cùng của trang chính có 7 biểu tượng. Quý vị bấm vào biểu tượng thứ 5 từ trái sang, có hình cái ăng-ten màu tím nhạt. Quý vị sẽ được hướng dẫn một cách rõ ràng để nghe lại từng chương trình phát thanh buổi sáng hoặc buổi tối trong mục này.
Về thời gian đăng tải các chương trình phát thanh, ban kỹ thuật đã kiểm tra và cho biết các chương phát thanh được cập nhật nhanh chóng sau giờ phát sóng trực tiếp. Kính mong quý thính giả thông tin cho đài nếu gặp trở ngại trong khi nghe các chương trình qua internet hoặc download để nghe lại sau.

Bản án oan ức

Thưa quý thính giả, những ngày đầu của tháng 4/2013 trôi qua với bản án tù dành cho 6 nạn nhân trong gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn. Một thính giả gọi vào hộp thư thoại với chia sẻ:
Theo tôi nhìn thấy về oan ức của ông Đoàn Văn Vươn bị cướp của mà còn phải bị tội. Tôi có phần nhận thức Đảng Cộng Sản hôm nay là bịp bợm.
Một thính giả
“Theo tôi nhìn thấy về oan ức của ông Đoàn Văn Vươn bị cướp của mà còn phải bị tội. Tôi có phần nhận thức Đảng Cộng Sản hôm nay là bịp bợm. Ông Đoàn Văn Vươn đã từng hiến thân mình, xương máu mình để bảo vệ Đảng.
Có một thời ông đã đi bộ đội. Bây giờ khi trở về để làm ăn như vậy. Đó là một điều đau đớn nhất trong kiếp người. Như vậy, ngày hôm nay chúng ta phải đấu tranh để dành quyền sống. Mình sống một kiếp người thú vị và có tự do. Mình phải có một thuở ruộng nương khoai để vun bón. Và mình phải có di tích gì của ông cha mình để lại để mình gìn giữ.
Và đồng thời tôi cũng có sự khẳng định những người VN ngày hôm nay có ăn học, có ý thức hệ là con người. Còn Cộng Sản dường như chỉ biết cấu xé với nhau để tham nhũng”.
Một thính giả khác gửi lời đến Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam sau khi phiên xử vụ án “Tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn” kết thúc:
“Kính thưa quý đài, sau đây cho tôi có đôi lời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng ơi, qua phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn, xin mấy ông đừng dùng quyền lực tham vọng mà đấm đá với quyền lực tham nhũng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chỉ tội nghiệp cho toàn dân VN từ Nam chí Bắc đang rên xiết vì sự bất công của xã hội, nhất là gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn. Xin cảm ơn quý đài”.
Tháng 4/2013 còn có sự kiện “Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ” diễn ra hôm thứ Sáu, ngày 12. Thính giả Tran Song Phuong nói lên chính kiến của mình:
“CHXHCNVN vi phạm nhân quyền trầm trọng đã bị thế giới lên án từ lâu rồi. Họ không bao giờ tuân thủ những gì họ đã ký. Bản chất họ điêu ngoa, xảo trá, tàn ác, lừa gạt bên ngoài, bóc lột đàn áp bên trong, truy diệt tù đầy những tiếng nói lương tâm, truy bức gia đình những gia đình này hết đường sinh sống… Thật là vô đạo đức.
Thế mà các nước rao truyền tự do-dân chủ-nhân quyền như Hoa Kỳ, Liên Âu, cả Liên Hiệp Quốc không có hành động hay biện pháp nào đối với chính quyền VN. Hãy cứu giúp những người nghe theo lý tưởng phổ quát này đang bị tù đày khốn khổ?
Họ còn bày ra những màn “Đối thoại Nhân quyền”. Không biết họ nói với nhau những gì mà càng đối thoại thì càng có nhiều người bị nhốt tù hơn!? Rất mong nghe được tiếng nói của nhiều thính giả”.

Suy nghiệm tháng Tư

sg1975-250.jpg
Sài Gòn ngày 30-04-1975. AFP PHOTO.
Những ngày cuối tháng 4/2013 còn đó sự kiện lịch sử 30/4/1975 mà trong tiềm thức của hàng triệu người Việt vẫn mãi còn ghi dấu. Một thính giả tâm tình với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng:
“Chào anh Nguyễn Phú Trọng. Bây giờ đã là thế kỷ thứ 21 rồi. Qua hệ thống thông tin toàn cầu, 1 việc vừa xảy ra, 15 phút sau cả thế giới đều biết. Thế anh không biết Gorbachev –Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô từ bỏ chế độ Cộng Sản.
Họ là quan thầy của các anh mà các anh không đi theo mà lại chui vào quỹ đạo của Cộng Sản Tàu.
Chúng đã từng đô hộ dân Việt ta đã ngàn năm. Sau 38 năm chiếm miền Nam, các anh đã làm được gì? Các anh đã bán biển, bán đất, bán đảo, bán Hoàng Sa, bán Trường Sa, bắt bớ và giết choc dân chúng. Nông dân thì nghèo đói. Công nhân thì cực khổ. Cán bộ thì tham nhũng, ăn chơi trác táng.
Yêu cầu các anh xuống đi. Các anh hãy nhìn Miến Điện mà bắt chước. Hãy lạo Quốc hội lập hiến để lập Hiến pháp của Nhân dân chứ không phải của các anh tạo ra. Các anh đừng làm trò hề, đi từng hộ bắt buộc phải ký. Các anh tưởng không ai biết à? Cả thế giới đều biết. Các anh dừng lại đi và thay đổi đi để đừng hối hận sau này”.
Thính giả ở Quảng Trị gửi đến những quan chức lãnh đạo VN những vần thơ đau xót:
Muốn thay đổi bản Hiến pháp của VN thì chính phủ VN phải trưng cầu ý kiến sau khi để dân chúng bàn luận tự do và không đe dọa hay giở những trò gian dối.
Anh Hai Sài Gòn
“Kính chào đài ACTD. Gửi quan chức Cộng Sản VN đang cai trị nhân dân hãy nghe những câu thơ sau đây: Ông Trọng! Ông Sang! Ông Dũng!/Mấy ông có biết do ai hòa bình?/Bao nhiêu xương máu dân mình?/Đổ ra mới có chúng mình chia quan/Mấy ông có biết nhà tan?/Mấy ông có biết dân than khắp miền?/Mấy ông tư lợi vì tiền/Vô tâm tàn bạo dân hiền đau thương/Mấy ông lấy một cái gương/Đứng soi để thấy vết thương của mình/Biết bao đau khổ gia đình?/Mấy ông phản bội nghĩa tình tri ân/Có công liệt sĩ oán ân?/Công bằng, công lý do dân cái gì?/Mấy ông không biết nghĩ suy/Người cùng một nước phải chi tội tình?/Mấy ông do dân hay mình?/Mấy ông gian dối trá hình với dân.”
Và những ngày cuối của tháng 4/2013, sự kiện được dư luận quan tâm nhất là VN có đổi tên hay không? Qua bài phóng sự “Liệu VN có lấy lại tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa?” do Vũ Hoàng thực hiện, nhiều quý khán thính giả cùng độc giả nói lên suy nghĩ của mình. Có nhiều thính giả kiến nghị giữ nguyên tên hiện tại vì nếu đổi tên sẽ kéo theo hàng loạt sự thay đổi của xã hội lẫn chính trị. Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến:
Thính giả Hoàng Quốc gửi từ Lạng Sơn nói là: “Nước ta có trở nên hùng cường hay không không phải từ tên nước, đều xuất phát từ sự cố gắng của mọi công dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng Sản Việt Nam. Nếu thay đổi tên nước thì toàn bộ sẽ phải thay đổi. Ví dụ như tên nước trên đồng tiền.... là quá tốn kém cho tổ quốc, trong khi đó nước ta còn rất nhiều việc phải làm”.
Thính giả Anh Hai Sai Gon cho biết quan điểm của mình:
Nếu VN muốn thay đổi bản Hiến pháp của VN thì chính phủ VN phải trưng cầu ý kiến sau khi để dân chúng bàn luận tự do và không đe dọa hay giở những trò gian dối như hiện nay. Trong lúc trưng cầu dân ý, bản Hiến pháp phải có câu hỏi là tên của quốc gia VN.
Sau đó bầu quốc hội mới theo bản Hiến pháp mới quy ̣định, rồi bầu người đứng đầu quốc gia. Hiện nay, chính phủ VN cứ đưa ra thăm dò rồi quyết định theo ý của đảng CSVN thì thay đổi Hiến pháp và tên quốc gia làm gì cho tốn kém?
Họ cứ ngồi đó chờ người dân nổi dậy và đem họ vào nhà tù như ở những quốc gia mùa xuân Ả Rập”.
Thính giả Minh Dũng quan ngại đời sống người dân sẽ khốn khó hơn:
“Hết đồn về đổi tiền,bây giờ lại chuyện đổi tên Nước. Về chuyên môn thì không dám ý kiến, nhưng có lẽ đời sống của người dân cũng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp hơn cả mà có khả năng ngày càng lạm phát hơn, đồng tiền mất giá và người dân sẽ càng khổ hơn”.
Hòa Ái xin phép khép lại chương trình kỳ này, và hẹn quí vị trong chương trình kỳ tới. Mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của quí vị về nội dung, kỹ thuật của chương trình.
Mọi thư từ liên lạc, xin gửi về địa chỉ vietweb@rfa.org hay hoaai@rfa.org. Quý vị cũng có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Giới trẻ VN nghĩ gì về quá khứ?


000_Del6190839-305.jpg
Giới trẻ Việt Nam thưởng thức cà phê Starbucks mới mở
AFP photo
Vừa qua trên không gian mạng xuất hiện một album nhạc với tựa đề “Hòa giải để Hy vọng” do những thanh niên trong nước thực hiện. Vậy với album này, những người trẻ Việt Nam hôm nay nghĩ gì về hôm qua và mong muốn điều gì cho tương lai Việt Nam ?

"Hòa giải để Hy vọng"

"Hòa giải để Hy vọng" là một album video gồm những ca khúc và hình ảnh về một cuộc chiến đã qua. Điều khá thú vị là album nhạc này lại được giới thiệu bởi những người thuộc thế hệ trẻ sinh sau cuộc chiến 1975, họ hoàn toàn vô can với quá khứ ấy. Khi xem album ‘Hòa giải để Hy vọng’, khán giả sẽ thấy tuyển tập này dùng nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…. Về cách thức lựa chọn nhạc phẩm và độ tuổi của các tác giả thực hiện album, chúng tôi được một thanh niên ẩn danh trong nhóm làm tuyển tập video này cho biết:
Những bản nhạc được lựa chọn trong album đều dựa trên sở thích âm nhạc của các thành viên trong nhóm. Trong quá trình tìm hiểu về tinh thần hòa giải dân tộc, các thành viên trong nhóm đã tìm thấy những bản nhạc phản chiến của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, mọi người rất thích những tác phẩm này. Do đó qua năm nay đến ngày 30 tháng Tư, khi mà chúng tôi cảm thấy thực sự cần gửi một thông điệp hòa giải đến với thế hệ của mình, đến những người Việt Nam khác đang còn tranh luận về cuộc nội chiến thì chúng tôi chọn phương thức là gởi những bản nhạc mà chúng tôi đang yêu thích.
Người lớn tuổi nhất trong nhóm thực hiện clip của chúng tôi có lẽ là người đọc lời giới thiệu, anh ấy cũng chỉ sinh đầu những năm 1980 thôi. Chúng tôi hầu hết là những sinh viên.
Khi nghe và xem ‘Hòa giải để Hy vọng’, người thưởng thức không quá khó để nhận ra tính nghiệp dư của nhóm thực hiện. Song điều gì khiến album nhạc này hấp dẫn khán thính giả, khi chỉ sau một ngày phát hành lên không gian internet đã thu hút hơn 1.000 người xem. Từ góc độ là người đã nghe qua ‘Hòa giải để Hy vọng’, một Cử nhân khoa học chuyên ngành Quản lý Xã hội là ông Phạm Văn Trội, hiện đang sống ở Hà Nội đã cho biết như sau:
Tôi đã nghe album ‘Hòa giải để Hy vọng’. Thứ nhất là về ý tứ của album này là họ nói lên những sai lầm trong quá khứ, sự khác biệt về ý thức hệ mà để cho cả dân tộc Việt Nam vùi trong chiến tranh tàn phá và chết chóc.
Họ muốn qua album này nói lên tinh thần xóa bỏ đi các định kiến, hòa giải dân tộc để xây dựng một dân tộc Việt Nam hoàn toàn mới. Không cho phép lập lại những sai lầm tương tự trong quá khứ. Ý tưởng của các bạn xây dựng album này cũng rất là hay, vì mong muốn các thế hệ tại Việt Nam hôm nay được hòa bình và tự do. Qua album, họ muốn gởi tới các nhà lãnh đạo Việt Nam là hãy tôn trọng sự khác biệt về chính kiến cũng như ý thức hệ; để cả dân tộc chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Ở những tác phẩm sáng tạo như âm nhạc, rất dễ trở nên vô vị và nhạt nhẽo nếu người thực hiện không thổi hồn vào đó. Vậy nhóm người trẻ đã có những suy nghĩ gì khi tiến hành xây dựng ‘Hòa giải để Hy vọng’?
Ý tưởng của các bạn xây dựng album này cũng rất là hay, vì mong muốn các thế hệ tại Việt Nam hôm nay được hòa bình và tự do.
- Ông Phạm Văn Trội, HN
Khi thực hiện album này, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều; nhưng cảm giác chung là buồn và cảm thấy nuối tiếc. Có lẽ chúng ta đã tránh được cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn này, nếu người Việt chúng ta biết yêu thương nhau hơn. Có những lúc tôi ước gì rằng, giá mà người Việt Nam chúng ta không có những thói quen giải quyết những tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp bạo lực, dù bạo lực trong hành vi hay trong ngôn từ.
Nếu chúng ta đạt được bước tiến bộ này, có lẽ dân tộc chúng ta có được một may mắn lớn. Như thế chúng ta tránh được những thảm kịch như cuộc nội chiến vừa rồi. Và có lẽ cũng đã đạt được độc lập và dân chủ hóa thành công, mà không mất quá nhiều xương máu. Tôi nghĩ chúng ta có một lựa chọn khác và vẫn còn một lựa chọn khác… Nhưng điều đáng tiếc là cho đến lúc này, cái tâm lý tôn sùng bạo lực và hận thù ấy vẫn còn là tâm lý ngự trị trong chính thế hệ trẻ hay thế hệ của chúng tôi.

Mong chờ một nước Việt Nam mới

DSC00358-200.jpg
Bảng hiệu tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 ở Hà Nội. RFA photo
Liệu những mong muốn của lớp người thuộc độ tuổi đại diện tương lai đất nước sẽ được người thuộc thế hệ đang đóng vai trò chủ động trong xã hội đón nhận như thế nào. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ông Phạm Văn Trội cho biết suy nghĩ cá nhân về vấn đề hòa giải dân tộc như sau:
Hiện nay, ngay trong quốc nội Việt Nam cũng đã có quá nhiều rạn nứt. Rạn nứt ngay trong giới lãnh đạo cao cấp, rạn nứt giữa chính quyền với người dân ngày càng gia tăng. Niềm tin của người dân với đảng hiện nay như một con số không.
Vấn đề thứ hai là rạn nứt trong chính sách của nhà nước với những người đang sống ở hải ngoại, đó là một bộ phận của dân tộc ta. Chưa được hòa hợp thống nhất vì những người cộng sản hôm nay vẫn còn đối xử thù địch với đồng bào hải ngoại. Vì thế mà đất nước Việt Nam chúng ta chưa thể đoàn kết, thống nhất cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam mới. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề hòa giải dân tộc hiện nay là một vấn đề vô cùng quan trọng. Chỉ có hòa giải thực sự thì mới xây dựng được một nước Việt Nam lớn mạnh. Để làm được điều đó, nhà cầm quyền cần từ bỏ độc đảng, tôn trọng các cá nhân có ý kiến khác biệt và tôn trọng các đảng phái khác để cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam mới.
Giải thích về ý nghĩa của sự hy vọng theo như tựa đề của album nhạc tuyển, người thanh niên hơn 20 tuổi tiếp tục cho chúng tôi biết về những hy vọng của anh ấy cho tương lai Việt Nam:
Tôi thực sự hy vọng và mong chờ không chỉ về cuộc hòa giải liên quan về cuộc chiến tranh vừa qua, mà còn mong chờ một nước Việt Nam mới. Chúng tôi nghĩ đó là một nước Việt Nam đa sắc màu, thay vì chỉ quẩn quanh trong thế giới vàng và đỏ. Đó không phải là một Tổ quốc Việt Nam XHCN, mà là một Tổ quốc cởi mở và có đủ đất để ươm mầm cho mọi quan điểm, mọi chính kiến và mọi luồng tư tưởng khác nhau.
Tôi tin rằng một Tổ quốc như thế, có lẽ sẽ che chở con em của nó thoát khỏi những thảm kịch đau lòng như là cuộc nội chiến vừa rồi. Một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, hòa hợp và hòa bình sẽ trở thành một cường quốc. Tôi nghĩ là để xây dựng nước Việt Nam ấy, chúng ta phải huy động tấm lòng và sức lực của mọi người Việt. Đó là lý do để thế hệ chúng tôi, tức là thế hệ trẻ nên hòa giải khẩn cấp ngay từ ngày hôm nay.
Là người từng trả giá đến 4 năm tù giam cho việc nêu lên những quan điểm chính trị, ông Phạm Văn Trội có nhận xét gì về người trẻ Việt Nam hôm nay:
Tôi thực sự hy vọng và mong chờ không chỉ về cuộc hòa giải liên quan về cuộc chiến tranh vừa qua, mà còn mong chờ một nước Việt Nam mới.
- Một thanh niên VN 
Tôi phải khẳng định rằng là giới trẻ Việt Nam hôm nay rất là năng động và tài năng, khác hẳn với thời cha ông của họ, cả về cái nhìn kinh tế lẫn chính trị. Về mặt chính trị thì họ không còn chính kiến giữa cộng sản hay là cộng hòa, các bạn trẻ đã thấu hiểu những mất mát trong chiến tranh. Một cuộc chiến vô nghĩa, không có người thắng và người thua. Một cuộc chiến sai lầm nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà trong đó là anh em ruột thịt bắn giết lẫn nhau, chỉ vì khác nhau về mặt ý thức hệ.
Vấn đề thứ hai là giới trẻ Việt Nam hôm nay thì họ rất muốn dân chủ và tự do, để phát triển những tài năng của họ; đặc biệt là mở rộng thực thi các quyền căn bản của con người.
Ngoài ra, người trong nhóm thực hiện album ‘Hòa giải để Hy vọng’ còn cho chúng tôi biết nhu cầu hòa giải không gói gọn trong không gian quá khứ, hòa giải cần phải trở thành một triết lý quản trị quốc gia.
Suy tư và ước vọng của các nhân vật xung quanh album ‘Hòa giải để Hy vọng’ mà chúng tôi hân hạnh được tiếp xúc hôm nay, không hẳn là đại diện duy nhất cho những người trưởng thành trong nước sau 1975. Nhưng trong một bối cảnh nhiều đặc thù như Việt Nam, những thiện chí nhân bản và giàu lòng ái quốc cần đáng được ghi nhận và tôn trọng.

Bằng cách nào, họ đến được đất tự do? (phần 1)


000_APP2000052916857-305.jpg
Những người Việt Nam vượt biển được đưa vào bờ biển của Malaysia năm 1978
AFP photo
Biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân Việt sống trong giai đoạn này, ít nhiều đều bị cuốn vào vòng xoáy của thời cuộc, của những biến đổi đau thương.
Cũng từ đây, lịch sử hiện đại Việt Nam phải ghi nhận thêm một sự kiện đau đớn của dân tộc khi hàng triệu người dân chấp nhận làm thân phận của kẻ ly hương, rứt ruột rời xa gia đình, xa xóm làng, xa tất cả những gì thân quen nhất để tìm đường đến đất tự do.
Chuyến ra đi của mỗi người là một câu chuyện rất riêng, không ai giống ai, nhưng tất cả đều là một hành trình không quên trong cuộc đời của họ, dù thời gian hơn 30 năm đã trôi qua.

Tháng 4 định mệnh

Đào Nguyễn, hiện là một chuyên viên tài chánh đang sống tại Houston thuộc tiểu bang Texas, rời Việt Nam vài ngày 29 Tháng Tư năm 1975, khi vừa tròn 10 tuổi.
Theo Đào, chuyến đi định mệnh của cô “tương đối trôi chảy và ít nước mắt hơn so với rất nhiều người Việt khác”:
“Lúc bấy giờ tôi còn là một đứa nhóc tì nên hoàn toàn không có quyết định gì. Ai biểu đi thì đi, xách thì xách, khiêng thì khiêng.
Chiều ngày 29 tháng Tư năm ấy, ba tôi đưa gia đình đến bãi Sau Vũng Tàu để rời Việt Nam cùng với một số gia đình khác.
Nhìn hình ảnh của ba tôi từ từ nhỏ lại, xa dần, mờ dần rồi khuất hẳn, tôi cứ ngỡ ba sẽ đi sau bằng một chiếc tàu khác. Nhưng không ngờ ba tôi đã quyết định ở lại chọn con đường nghĩa khí cho riêng ông.
Tàu rời bến lúc 7 giờ chiều và đến 4 giờ sáng thì loa phóng thanh báo tin tàu bị bể bơm nước và kêu gọi đàn ông thanh niên phụ tát nước. Trời còn tối đen, lúc đó mọi người lo lắng tàu sẽ đắm.
Các bà thi nhau đọc kinh cầu nguyện như ri. May mắn lúc đó có một chiến hạm của Mỹ đi qua và cho tất cả lên tàu.
Nghĩ đến những người đi vượt biên rồi bị cướp bóc, hãm hiếp, hoặc bị rớt xuống biển tôi thấy đau xót quá bởi tự do của họ đã phải đổi bằng một giá quá lớn.- Đào Nguyễn, Texas
Từng người một leo lên cái thang dây trong tiếng la hét, khóc lóc. Một số bà mẹ, trong đó có mẹ của tôi réo gọi con cái mang theo hành lý leo lên.
Bây giờ nghĩ lại cũng còn ngán vì một tay phải nắm vào thang dây, còn tay kia thì xách đồ nặng. Rồi lại còn phải leo xuống để lấy thêm đồ trong lúc người ta từ dưới đang đi lên và lính Mỹ thì không cho xuống, mà mẹ tôi thì cứ la um sùm.
Tôi còn nhớ khi tôi nói: 'thôi mẹ ơi, bỏ lại tất cả đi!' tôi bị mẹ 'bộp' cho một cái đau điếng nên im luôn cho tới mấy ngày.
Chuyện đến đất tự do của tôi chỉ có vậy thôi. Nhưng nghĩ đến những người đi vượt biên rồi bị cướp bóc, hãm hiếp, hoặc bị rớt xuống biển tôi thấy đau xót quá bởi tự do của họ đã phải đổi bằng một giá quá lớn!”

Ra đi, vì không được học đại học

unhcr-250.jpg
Những người Việt vượt biển. Photo courtesy of UNHCR
Chị Jennifer Nguyễn, ngoài 50 tuổi, đang sống tại thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington, nhớ mãi kỷ niệm về các chuyến đi vượt biên của mình vào năm 1979, sau khi không được chấp nhận vào trường Cao Đẳng Sư Phạm với lý do “có thân nhân đi nước ngoài.”
Chị Jennifer kể:
“Sau khi học xong lớp 12 khoảng Hè năm 1979, tôi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm nhưng bị đuổi học vì có thân nhân đi nước ngoài. Thế là ba tôi bắt tôi phải vượt biên vì không còn tương lai nếu chỉ có bằng tú tài.
Tôi đi chuyến đầu chung với mấy anh chị, hết thảy là 6 người. Chuyến đó ở nhà có bao nhiêu nữ trang của Má tôi chết để lại đem chung một mớ cho người tổ chức.
Sau khi ngủ một đêm trong một ngôi chùa ở Vũng Tàu, tất cả bị công an ập vào bắt chở vào trại giam Vũng Tàu và bị tịch thu hết phần nữ trang còn lại.
Lần đó, mấy chị em tô bị tù một tháng, trong đó có một chị ruột và một chị dâu tôi đang mang thai khoảng 6, 7 tháng.
Tôi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm nhưng bị đuổi học vì có thân nhân đi nước ngoài. Thế là ba tôi bắt tôi phải vượt biên vì không còn tương lai.- Jennifer Nguyễn. Seattle
Sau chuyến đó, tôi không muốn đi nữa vì quá hãi hùng chuyện ở tù, nhưng ba tôi không chịu thua và thuyết phục tôi đi cho bằng được.
Tôi tiếp tục đi chuyến thứ 2, thứ 3, vẫn không thành công nhưng hên là không bị bắt mà trở về nhà an toàn.
Đến lần thứ 4 vào khoảng cuối năm 1979, chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi ra đi ngay tại thành phố Mỹ Tho, nơi tôi ở.
Đi một mình, không có ai tiễn đưa vì sợ bị lộ. Tôi chỉ cần đi bộ ra vườn hoa mất khoảng 15 phút từ nhà, rồi bước qua bờ tường của vườn hoa là xuống tới ghe.
Ghe này là ghe chính, giả dạng đi đánh cá, từ từ đi ra cửa biển. Khi gặp tàu đi tuần thì tôi phải thục đầu xuống vì da tôi trắng không giống dân đi đánh cá. Ghe thì nhỏ mà có đến 76 người, ngồi chật như xếp cá mòi vậy.
Ghe vượt sóng ra cửa biển, đi chưa bao lâu thì bị công an rượt. Chủ ghe xả hết tốc độ, thoát được công an, nhưng ghe lại bắt đầu lạc phương hướng.
Chưa hết, đến lúc mọi người tìm nước uống thì chỉ thấy toàn là dầu thôi. Thì ra vì gấp rút lúc đổ người và tiếp liệu vào tàu chính, thùng để nước và dầu nằm lẫn lộn, mở thùng nào cũng toàn là dầu chứ không tìm thấy nước, thế là bà con bắt đầu dành nước uống, chửi lộn nhau chí chóe.
Đi không biết bao lâu thì thấy vài chiếc tàu nhỏ, nhưng ban đêm nên không dám ra hiệu cầu cứu mà phải chờ đến trời sáng nhìn cho kỹ rồi mới dám đốt vải để xin tiếp cứu thì họ lại làm lơ.
Mọi người vừa nản vừa lo vì lương thực mang theo chỉ có một bao gạo do chủ ghe đem theo nấu cháo phát cho mọi người, ăn sắp hết, nước thì lộn với dầu…
Sau 3, 4 ngày lênh đênh trên biển thì nhìn thấy dãy núi ở xa xa, bà con mừng như chết đi sống lại vậy. Thế là chủ ghe và một số người bàn là phải phá ghe và vứt máy xuống biển thì nó mới cho ghe mình vào. Sau vài giờ dằn co thì ghe được vào gần đến bờ, mọi người phải nhảy xuống biển và tự lội vào.
Khi vào bờ rồi thì mọi người mới biết mình đến bờ biển Mã Lai, phải ngủ trên bờ biển một đêm, đến chiều ngày hôm sau mới có tàu của Cao Ủy Tị Nạn chở sang đảo Pulau Bidong.
Những ngày trên trại thì hết đi xin quần áo cũ thì xin đồ ăn hộp của những người đi định cư trước để ăn thêm phần ăn do Cao ủy phát. Tôi ở trại khoảng hơn 6 tháng.
Đến ngày ra cầu Jetty để đi định cư, được nghe ca sĩ Lệ Thu hát trên đài bài “Ngày Mai em đi…” nghe vui cho mình nhưng cũng không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những người quen trên đảo bị rớt phỏng vấn không biết đến bao giờ mới tới phiên họ đi định cư..”
(còn tiếp)

Tự do báo chí ở Việt Nam và Miến Điện


_MG_1651-305.jpg
Một sạp bán báo vỉa hè Sài Gòn
RFA photo
Trong hai năm vừa qua Miến Điện đã có những bước đi ngoạn mục trên tiến trình dân chủ hóa. Một điểm trọng yếu của tiến trình dân chủ hóa ấy chính là tự do ngôn luận. Trong tháng tư này, khi Việt Nam vẫn còn loay hoay với Hiến pháp của chính mình thì Miến Điện đã có báo chí tư nhân.

ĐCS còn nắm quyền...

Miến Điện là một quốc gia hiện thời nghèo hơn Việt Nam, có cùng quá khứ thuộc địa, chiến tranh độc lập và nền kinh tế đóng cửa như Việt Nam. Tuy nhiên quốc gia này trong hai năm qua đã có những thay đổi rất lớn. Tháng tám năm 2012, Miến Điện hủy bỏ việc kiểm duyệt báo chí, đầu tháng tư năm nay, hàng lọat tờ báo tư nhân được phát hành. Báo Tuổi trẻ, một tờ báo có số phát hành hàng đầu ở Việt Nam đã đưa tin về sự kiện báo chí Miến Điện được tự do, tờ này còn trích lời một nhà báo Miến Điện là mừng rơi nước mắt. Các nhà báo Việt Nam đón nhận tin này bằng những thái độ khác nhau.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm cho tờ Thanh Niên, một nhật báo lớn trong nước, ông cũng được Tổ chức phóng viên không biên giới trao giải Netizen năm nay cho họat động blog của mình, ông nói,
Sự thay đổi ở Miến Điện làm phấn khởi người Việt Nam. Ở Việt Nam thì cái gì cũng có ghi trên giấy tờ hết, nhưng trong thực tế không thế. Chắc chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên gọi là có tự do báo chí mà lại nằm trong tay nhà nước hết. Điều đó gây ra sự ngộ nhận là có tự do. Không có tờ báo nào ngòai đảng cả.
Ông cũng nói về sự cần thiết của báo chí tư nhân như sau,
Vừa rồi báo Quân đội nhân dân nói là không cần báo tư nhân. Không có báo chí tư nhân thì làm sao có góc nhìn khác được.
Một nhà báo khác là Trương Duy Nhất, cũng là chủ nhân của blog tên là Một góc nhìn khác, thì nói về quyền tự do ngôn luận,
Tự do ngôn luận là điều rất cần thiết. Đó là một trong những quyền cơ bản.
Anh cũng nói về sự hao tiền tốn của của nền báo chí Việt Nam hiện đang do đảng cộng sản kiểm sóat hòan tòan, cũng như hiệu ứng tích cực của các trang thông tin do các blogger làm trên không gian Internet:
Bao nhiêu tiền của nhân dân bỏ vào Thông tấn xã nhưng có ra cái gì đâu. Những trang như Bauxite Ba Sàm gây những hiệu ứng tích cực. Các tờ như Nhân dân phát cho cán bộ thì họ cũng để mạng nhện bám đầy thế thôi.
Trang của tôi so với tờ Nhân dân, tờ báo gọi là chính thống của cái đất nước này hay trang của đảng cộng sản thì nó đứng hơn cả nghìn bậc.
Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh cũng có ý kiến về việc phát triển thông tin thông qua Internet,
May là nhờ có Internet, tạo điều kiện cho nhiều blogger đấu tranh cho một nền báo chí tự do, nhiều người có thể nói lên ý kiến mà không được báo chính thống đăng, tuy thế cũng bị hạn chế.

... thì không có tự do báo chí

_MG_1652-250.jpg
Một sạp báo ở Saigon. RFA photo
Đây cũng là ý kiến của một nhà báo nước ngoài gốc Việt là Andrew Lâm khi nói về tự do ngôn luận ở Việt Nam, anh nói rằng không gian Internet giúp cho người dân ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam, nơi có sự kiểm duyệt gắt gao báo chí, được phát biểu ý kiến của mình.
Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh gắn liền sự tự do báo chí với những cải cách chính trị khi ông so sánh sự cải tổ chính trị tại Miến Điện với hiện tình Việt Nam:
Nhưng có lẽ những nhà lãnh đạo Miến thực lòng với đất nước của họ hơn. Chấp nhận đảng đối lập, chấp nhận tự do báo chí. Khi chấp nhận báo chí tự do là chấp nhận thực tình.
Và theo ông thì tự do báo chí ở Việt Nam sẽ có Khi điều 4 của Hiến pháp thay đổi thì có sự tự do báo chí.
Còn nhà báo Trương Duy Nhất thì nói Cái đời tôi chắc không hy vọng.
Anh cho rằng có sự khác nhau về bản chất của các tiến trình chính trị xã hội ở Miến Điện và Việt nam,
Miến điện không phải là mở cửa mà thay chuyển tòan bộ, tận gốc. Miến điện đi chậm nhưng thay đổi căn cơ, thay đổi về tư tưởng.
Lý do của sự thay đổi khác nhau giữa hai quốc gia, thì theo nhà báo Hùynh Ngọc Chênh chính là sự thống trị của lý thuyết cộng sản cũng như bộ máy của đảng cai trị,
Sự đặt ra bộ máy Đảng làm mọi thứ làm sự thay đổi khó hơn. Ở Míến nhóm quân nhân không bị ràng buộc bởi một lý thuyết nào nên có lẽ vì thế sự thay đổi dễ dàng hơn.
Chúng tôi cũng đã đặt những câu hỏi tương tự với hai nhà báo khác, của hai cơ quan truyền thông lớn của nhà nước việt Nam. Người thì từ chối trả lời với lý do ông là đảng viên nên không được tự ý trả lời phỏng vấn, người kia thì viện lẽ đây là một vấn đề nhạy cảm nên không phát biểu.
Như vậy tự do ngôn luận ở Việt Nam đã được he hé mở trên không gian mạng. Còn lĩnh vực báo giấy thì đảng cộng sản vẫn nắm chặt. Một nền báo chí tư nhân nhiều sắc màu đa chiều vẫn là niềm mơ ước của các nhà báo hăng hái cổ vũ cho tự do ngôn luận như Trương Duy Nhất và Hùynh Ngọc Chênh, cho tới khi nào các nhà lãnh đạo đảng cộng sản thực lòng thay đổi như các đồng nghiệp bên xứ chùa Vàng.

Phân biệt đối xử với cả mộ phần

nghia-trang-bien-hoa-305-1.jpg
Cọc "GPMB" cắm trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đầu tháng 4/2013.
Photo courtesy of letungchau.blogspot.com

Nghĩa trang Biên Hòa

Dường như, nơi nào cũng gợi lên một nỗi buồn nào đó thật khó tả. Những ngôi mộ hoang vu, cỏ cây um tùm, bia đá trơ trọi và trâu bò giẫm nát mọi thứ… Có một điều lạ là cách nghĩa trang Biên Hòa chưa đầy 30 cây số đường chim bay, nghĩa trang Lái Thiêu của người Hoa nằm cạnh quốc lộ 13 thì rất khang trang, kín cổng cao tường, có bảo vệ nghiêm ngặt, trừ con cháu người Hoa, bất kì ai cũng không được bước vào bên trong nghĩa trang dù chỉ vài mét.
Sau Tết Nguyên Đán, người ta cho xây dựng hai bệ thắp nhang ở nghĩa trang Biên Hòa để đón khách, mà khách ở đây là những sứ giả của cộng đồng Châu Âu, tổ chức Nhân Quyền quốc tế, hoặc các dân biểu Mỹ.
Sự chăm chuốt qua loa, lấy lệ của nhà cầm quyền địa phương dường như có sự tính toán, có tính phô trương cái gọi là “lượng khoan hồng của chính thể mới” hơn là lòng trắc ẩn của con người với con người, sự tôn kính đối với người đã khuất, đặc biệt là những chiến binh đã nằm xuống sau một cuộc chiến tranh dài của đất nước. Liền sau đó, không bao lâu, nhà cầm quyền lại cho phóng tuyến mở đường băng qua khu nghĩa trang Biên Hòa, những cột mốc được cắm khắp nơi trong khuôn viên nghĩa trang. Điều này cũng cho thấy rằng có một chiến dịch ngấm ngầm nhằm xóa sổ nghĩa trang Biên Hòa.

Nghĩa trang Phú Ninh

Ở nghĩa trang Phú Ninh, đây là một khu mộ cải táng từ một hố chôn tập thể ngay chùa Dương Lâm, thôn Dương Lâm, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh. Theo những nhân chứng là những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tham gia trận đánh còn sống sót thì ngày 29 tháng 3 năm 1975, hai binh đoàn Dù và Biệt Động Quân ở phía Tây Quảng Nam đã rút về cố thủ ở thôn Dương Lâm, gom quân vào chùa Dương Lâm để tìm đường thoát ra biển. Những người lính không hề hay biết là mình đang lọt vào sào huyện của đối phương, những ngọn đồi Phú Ninh đã được đặt sẵn các ụ súng nhắm vào chùa Dương Lâm.
Trưa 29 tháng 3, phía Cộng sản Bắc Việt bắc loa kêu gọi đầu hàng. Các chiến sĩ VNCH vẫn cố thủ, không trả lời. Chiều hôm đó, một đặc công Bắc Việt bò vào đến bờ rào chùa Dương Lâm thì dính mìn phòng thủ của phía VNCH. Tiếp theo sau đó là trận pháo kích nảy lửa và các du kích, bộ đội Cộng sản tấn công tứ phía. Những chiến sĩ VNCH chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng, bị dính pháo kích, đạn bắn tỉa và lựu đạn, đã hy sinh gần như là toàn bộ. Vài ngày sau, người dân chung quanh tìm đến chùa, đào một hố chôn tập thể sau chùa để chôn xác các chiến sĩ VNCH.
Mãi đến hơn ba mươi năm sau, ngôi chùa bỏ hoang được một trụ trì trẻ pháp danh là Thích Pháp Tánh kêu gọi các đồng đạo, Phật tử, nhà hảo tâm tìm cách soi môi, cầu hồn báo mộng để các chiến sĩ về chỉ nơi mình đang nằm. Nhà chùa cải táng, âm thầm bốc mộ tập thể, mang lên đồi Phú Ninh, chôn thành từng mộ phần riêng lẻ. Nhờ vào các thẻ bài còn nằm trong thi hài nên việc nhận dạng từng liệt sĩ cũng không khó khăn mấy.
Và, cho đến bây giờ, khu mộ liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Phú Ninh vẫn được nhang khói tử tế, tuy không được gắn tên cho khu nghĩa trang, chưa có tường thành chung quanh nhưng dẫu sao, những ngôi mộ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Phú Ninh, Quảng Nam vẫn có bà con Phật tử khói nhang hằng tháng, mỗi rằm và xây dựng thêm một am thờ tập thể trước nghĩa trang. Người đến đây thăm viếng, thắp nhang không bị công an làm khó dễ.
Đây là điểm khá đặc biệt của nhà cầm quyền Quảng Nam so với nhà cầm quyền các địa phương khác.

Nghĩa trang Đồi Hoa Sim

nghia-trang-trung-quoc-binh-duong-250.jpg
Cổng vào nghĩa trang Trung Quốc ở Bình Dương. Hình do thính giả gửi cho RFA.
Nghĩa trang Đồi Hoa Sim ở xã Hiệp Hòa, Bảo An, Lagi – Bình Thuận thì bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, đến mùa hạ cháy trơ phơi gốc, trâu bò giẫm nát những độc bình sứ gắn bên cạnh bia mộ, người ta thi nhau xúc cát trong nghĩa trang về xây dựng, theo chúng tôi đoán là để xây dựng công trình công cộng, chứ không có nhà dân nào dám mang cát nghĩa trang về xây nhà cho mình cả. Nhiều áo quan lộ thiên giữa mưa nắng, thậm chí các hài cốt nổi lên, xương tay chân và sọ người lộ thiên. Nhìn vào, chỉ biết xót xa, đau buồn cho một kiếp chiến binh đã bỏ mình vì lý tưởng dân tộc, để rồi, cuối cùng phải phơi xương ngay trên mưa nắng quê nhà. Rất may, Soeur Nguyễn Thị Thanh Mai, Dòng Mến Thánh Giá, phụ trách cộng đoàn Đồng Tiến, đã vận động, quyên góp tài chánh để cải táng nhiều mộ về nghĩa trang của Giáo xứ.
Dường như tất cả những nghĩa trang Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều bị bỏ hoang, trừ những nghĩa trang đã cải táng như Phú Ninh và nghĩa trang mà các Soeur qui tập trong Giáo xứ Đồng Tiến. Còn lại, có nhiều nghĩa trang đã mất dấu, mọc lên nhiều công trình, xác người lẫn lộn với đất đá, làm nền cho những ngôi nhà đồ sộ. Riêng phần nghĩa trang mất dấu, chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Đến bao giờ?

Người Việt với người Việt, trước cái chết của đồng bào, đồng tộc, sao chỉ thấy dửng dưng và hờ hững, chỉ thấy phá phách, xóa sổ và san bằng phần yên nghĩ của liệt sĩ đối phương. Trong khi đó, ở Lái Thiêu, nghĩa trang rộng 400 hecta, cây xanh um tùm, có chùa, hồ nước, sân quần vợt và đài tưởng niệm, có bảo vệ nghiêm ngặt, mộ nằm thẳng thớm, khang trang của người Trung Quốc ngay trên đất Việt. Sau mấy ngày tìm cách tiếp cận, chúng tôi vào được bên trong nghĩa trang. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đồ sộ, rộng lớn và nghiêm mật của khu nghĩa trang này.
Tự dưng, chúng tôi nghĩ đến thân phận người Việt Nam, cũng là người Việt với nhau, nhưng sau ba mươi mấy năm, tình anh em một nhà vẫn cứ là cừu thù, mặc dù trên ngôn từ vẫn là hòa hợp, hòa giải. Nhưng thực tế, trước cái chết, trước mộ phần của đối phương, người ta không những không biết kính cẩn nghiêng mình đúng đạo làm người mà còn đập phá, xóa sổ một cách không hề thương tâm. Và, sau ba mươi mấy năm, những cái chết mang dòng máu Việt Nam bị dày vò, giẫm đạp, không may mắn như những cái chết của người Trung Quốc tại đất nước này, họ được chôn cất tử tế, có người chăm sóc mộ phần và có nghĩa trang rộng bao la để tiếp tục duy trì phần Tổng lãnh sự âm ti của mình trên đất khách.
Đến bao giờ người Việt biết yêu thương nhau? Đến bao giờ người Việt thôi giẫm đạp lên cái chết của nhau? Đến bao giờ người Việt sống tử tế và biết nghiêng mình trước cái chết? Câu hỏi này đã bỏ ngõ suốt ba mươi mấy năm nay. Câu hỏi này sẽ rất khó trả lời trong khi Việt Nam chúng ta đang sống dưới triều đại xã hội chủ nghĩa. Vì sao lại như thế? Lại thêm một câu hỏi khác trong hàng tỉ câu hỏi về quyền làm người!
Uyên Nguyên, tường trình từ Biên Hòa, Việt Nam.