Các dân biểu có mặt tại buổi điều trần ở Hạ viện Mỹ hôm 11/4 kêu gọi chính phủ nước này gây áp lực mạnh hơn với Việt Nam về nhân quyền.
Một phiên điều trần đã được tổ chức tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, trong đó những người tham gia kêu gọi Washington gia tăng sức ép để Hà Nội trả tự do cho những người bất đồng chính kiến.
Chi tiết của đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ ở Hà Nội chưa được công bố.Buổi điều trần này diễn ra một ngày trước khi chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ có vòng đối thoại về nhân quyền lần thứ 17, đáng ra phải được tổ chức cuối năm ngoái nhưng đã bị hoãn vì bất đồng giữa hai bên trong lĩnh vực nhạy cảm này.
Tình hình xấu đi
Tại cuộc điều trần hôm 11/4 ở Washington DC, ông John Sifton, phụ trách vận động nhân quyền châu Á của tổ chức Human Rights Watch (HRW), nói trong năm qua "hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã tồi tệ đi".
Ông nói các con số thống kê là chỉ dấu rõ ràng, và "không còn nghi ngờ gì về nhận định nói trên".
Theo HRW, trong năm 2012 Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 40 người vì tội danh liên quan chính trị, cao hơn con số năm 2011.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một thông cáo ra trước cuộc đối thoại 12/4 nói Mỹ cam kết cuộc đối thoại sẽ diễn ra "thẳng thắn và nhằm mục tiêu có kết quả".
Những vòng đối thoại trước bị chỉ trích không mang lại cải thiện gì về nhân quyền ở Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng và thương mại.
Nghị sỹ Chris Smith, người chủ trì cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ, một lần nữa kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước gây quan ngại đặc biệt về nhân quyền và tự do tôn giáo (CPC).
Ông Smith nói với giới nhà báo sau khi kết thúc điều trần: "Đối thoại có ý nghĩa của nó, nhưng không thể thay thế các hành động cụ thể".
Việt Nam đang muốn tranh thủ ủng hộ của Mỹ trong các vấn đề an ninh-quốc phòng và giới quan sát cho rằng đây là thời điểm các nhà vận động nhân quyền có thể sử dụng để đấu tranh gây sức ép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét