Tấn Hà
Kính thưa quý thính giả, ngày mai, 30 tháng tư, đánh dấu 38 năm ngày thống nhất đất nước và cũng là ngày ách độc tài cộng sản giao thảm họa trên cả nước. Vì vậy, không chỉ có những người sống ở miền nam trước kia gọi đây là ngày quốc hận, mà với sự thực của lịch sử dần dần được phơi bày, ngày càng có nhiều người ở miền bắc đồng cảm với nỗi đau thương quốc hận. Nhân dịp này, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết nhan đề “Để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận”. Bài của Tấn Hà. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết.
***************
Chiến tranh đã đi qua 38 năm – một quãng thời gian không nhỏ của đời người. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ phải nguôi ngoai. Nỗi hận dẫu có ngút trời rồi cũng sẽ bị thời gian chôn giấu. Trong lịch sử đầy biến động, nhiều quốc gia đã xuất hiện và vụt mất bởi chiến tranh giặc giã. Nhưng làm thế nào để có thể quên đi quá khứ đau thương?
Ngày 30/04 chắc chắn là Ngày quốc hận của toàn thể nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh, người ta nói “triệu người vui, triệu người buồn”. Nhưng điều đó nay không còn đúng nữa, ngày nay mỗi dịp 30/04 về, người ta thấy “triệu người buồn và triệu người rầu”. Đặc biệt, ở trong nước, không mấy ai còn mặn mà với ngày này vì nhiều lẽ. Và có lẽ lý do nổi bật nhất là những cựu chiến binh “nam tiến” khi xưa đã kịp nhận ra sai lầm của mình rằng họ đã bị lừa cuốn theo một cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa!
Khi cầm súng ra trận, người ta sẵn sàng hy sinh vì nhân danh những điều cao quý: Cứu nước, độc lập, tự do, hạnh phúc… Nhưng rốt cuộc, những điều cao quý chẳng thấy đâu, cái mà họ giành được lại là sự bất công, mất dân chủ, mất tự do, mất quyền sống. Sự băng hoại, tha hóa, kém cỏi của một nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã đẩy đất nước vào một tình cảnh bi đát, tan hoang, suy sụp. Những người có trách nhiệm, nắm được tin tức, bàng hoàng nhận ra là chính họ đã trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến không đáng có, và bản thân họ vừa là nạn nhân vừa là kẻ tội đồ…
Thực ra người cần được giải phóng lại chính là những người cầm súng nam tiến khi xưa. Nếu như ngược lại, Miền Bắc bị thất thủ, Miền Nam giành quyền thống nhất đất nước thì bối cảnh Việt Nam hôm nay đã khác một trời một vực với thảm trạng hiện có. Lấy ví dụ đối chứng như Hàn Quốc hay Tây Đức thì ta đã chắc chắn tin vào điều đó. Không ai khác Việt Nam Cộng Hòa khi xưa đã từng là một nước phát triển mạnh nhất Đông Nam Á, với danh hiệu “hòn ngọc Viễn Đông” được đặt thành tên cho thủ đô Sài Gòn.
Tất cả mọi sai lầm đều có nguyên do. Nhưng đối với người dân Việt Nam thì nguyên nhân quan trọng nhất, đó chính là việc họ đã trao nhầm lòng tin vào tay một nhóm thiểu số đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) vô tích sự, ngu dốt, cực đoan và lười biếng. Chủ thuyết “giai cấp công nhân lãnh đạo” chỉ là khẩu hiệu lừa bịp của những kẻ tiếm quyền. Còn thời hiện đại, người ta không thể nào chấp nhận những con người thiếu tầm nhìn, thiếu hiểu biết, thiếu trang bị kiến thức khoa học xã hội, đặc biệt là thiếu tinh thần tự do dân chủ lên nắm quyền điều hành đất nước.
Thật vô lý khi một anh trình độ tiểu học như Hồ Chí Minh lại lên làm chủ tịch nước, một anh vốn hành nghề hoạn lợn như Đỗ Mười lại làm đến chức tổng bí thư, một anh y tá đào tạo thậm chí còn vội vàng và sơ sài trong chiến tranh như Nguyễn Tấn Dũng lại lên làm thủ tướng. Người xưa nói “nhân bất học bất tri kỳ lý” quả không sai. Nếu có một cuộc thanh tra công bằng thì hầu hết các vị trí đầu não quan trọng của ĐCSVN tại các chức vụ từ tổng bí thư, chủ tịch nước, các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành ở Việt Nam đều có thể khó đạt chuẩn phổ thông trung học chứ chưa dám mơ đến các học vị cử nhân, tiến sĩ…
Sở dĩ các đảng viên ĐCSVN giữ được vị trí cầm quyền mấy chục năm qua là vì họ đã áp dụng những thủ đoạn rất cổ điển nhưng lại dễ qua mặt được những người dân cả tin. Họ cho rằng vì công (!) của họ lãnh đạo đất nước nên đất nước mới có ngày “ba mươi tháng tư”, mới có được độc lập. Đó cũng là lý luận của họ khi cố tình áp đặt quyền cầm quyền tuyệt đối và lâu dài của họ trong chính bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này tại Điều 4.
Ngày nay người ta đã thấy rõ không phải như vậy! Cả dân tộc Việt Nam bị đẩy vào con đường phải hy sinh quyền lợi bản thân, thậm chí là sẵn sàng và đã hy sinh cả núi xương sông máu để giành lại cái độc lập mà họ bị tuyên truyền là đã mất. Vì vậy không những phải khẳng định đất nước này là của toàn thể người Việt, toàn thể nhân dân Việt Nam chứ không thể là của ĐCSVN, mà còn phải đặt lại vấn đề về sự lừa bịp của ĐCSVN – nhân danh mục tiêu độc lập dân tộc để bành trướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Ngay cả trong một cuộc chiến tranh cứu nước thực sự thì trách nhiệm cầm súng chiến đấu là quyền và nghĩa vụ chung, ĐCSVN không là ngoại lệ. Mỗi cá nhân trong ĐCSVN cũng chỉ là một công dân riêng lẻ. Họ không thể lấy cái trách nhiệm bắt buộc và bình thường là bảo vệ tổ quốc ra để cho rằng đó là công lao của mình. Thực tế nếu điều đó là sự thật (cứu nước) thì ĐCSVN cũng chỉ mới hoàn thành nghĩa vụ công dân mà thôi.
Hiện nay, tiếp bước những tiếng nói đa nguyên dân chủ từ hàng chục năm qua, rất đông nhân sĩ trí thức, các học sinh sinh viên, và mọi thành phần xã hội đã đứng lên cất tiếng phản đối và phản kháng cái gông cùm độc tài cứ tiếp tục tù hãm đất nước trong lạc hậu. Họ dám làm những điều đó vì họ đã có đủ kiến thức trong tay về lịch sử. Họ hiểu ngày 30/04 là một ngày đau thương. Mặc dù họ cũng mong muốn đất nước thống nhất nhưng phải bằng con đường hòa bình không đổ máu. Họ dám nhận diện cái hay từ mọi phía, đặc biệt là lòng trân quí những hy sinh của các chiến sĩ hải quân thuộc cả Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong nỗ lực cố gắng bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa trước dã tâm xâm lược của Trung Cộng.
Kính thưa quý thính giả, nhắc lại lịch sử không chỉ để ôn lại nỗi đau thương của dân tộc qua ngày 30 tháng tư, mà quan trọng hơn, từ nỗi đau thương đó, người Việt Nam phải làm sao để ngày này sẽ không còn là ngày quốc hận nữa. Đó là phần sẽ được bàn đến trong phần hai bài viết của tác giả Tấn Hà, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét