Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Nghị Viện Âu châu bàn thảo tình hình nhân quyền Việt Nam


DienDanCTM


Trong những tháng qua, Liên hiệp các nước châu Âu (EU) đã đang chịu sức ép phải tỏ thái độ cứng rắn hơn với Hà Nội về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án các vụ đàn áp quyền tự do ngôn luận của Việt Nam.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ và trang nhà Democracy Digest đã có những bài viết kêu gọi EU nêu tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam  trong cuộc đối thoại với Hà Nội vào ngày 18-4-2013 tới đây.

Trong chiều hướng đó, vào ngày mai, 18-04, Nghị viện châu Âu trong phiên họp khoáng đại hàng tháng sẽ thảo luận khẩn cấp về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là về tình hình tự do ngôn luận ở nước này phản ánh qua hàng loạt bắt bớ và xử tù nhiều người gần đây.


Tờ nhật báo Le Soir của Bỉ khi đề cập đến thông này cho biết chính quyền  Hà Nội trong những tháng gần đây đã gia tăng các cuộc đàn áp trong nước, đặc biệt là các blogger độc lập tự do bao gồm các nhà báo, nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động tôn giáo... có những bài viết về những chủ đề cấm kỵ như tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc, các vụ cướp đất và nạn tham nhũng.

Cũng theo báo Le Soir, vào tháng 9 năm ngoái, Ủy ban bảo vệ nhà báo ( CPJ ) của Mỹ đã công bố một báo cáo cho thấy quyền tự do báo chí ở Việt Nam bị thu hẹp,  toàn bộ các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đều do Nhà nước kiểm soát, và ngay cả báo chí quốc tế cũng bị giám sát chặt chẽ. Cuối tháng 1-2013, Liên đoàn quốc tế nhân quyền, trụ sở tại Paris, phối hợp với Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam, cũng đã ra một báo cáo về tình trạng đàn áp các blogger và nhà bất đồng chính kiến sử dụng mạng ở Việt Nam, với con số thống kê đưa ra cho thấy chỉ trong năm qua đã có 22 blogger và nhà bất đồng chính kiến sử dụng mạng đã bị tuyên án tổng cộng 133 năm tù, vì đã đấu tranh bất bạo động trên mạng. Và đặc biệt, chỉ riêng trong phiên tòa ngày 09-01 vừa qua,  14 người đã bị tuyên án tổng cộng 100 năm tù, chỉ vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận.

Trong buổi thảo luận khẩn cấp về tình hình nhân quyền Việt Nam ngày mai, ba nghị sĩ thuộc khối Cánh tả thống nhất châu Âu, Helmut Scholz, Marie-Christine Vergiat và Jurgen Klute, sẽ đệ trình một nghị quyết về trình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam hiện nay, qua đó kêu gọi Liên hiệp châu Âu phải xem quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế là một "bộ phận chủ yếu"  trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa Bruxelles với Hà Nội về một hiệp định tự do mậu dịch Liên hiệp châu Âu - Việt Nam.

Cũng nhân đối thoại nhân quyền sắp diễn ra, trang tin ủng hộ dân chủ Democracy Digest, được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ, có bài viết "Đã đến lúc Hoa Kỳ và Châu Âu lột mặt nạ của Hà Nội về các vi phạm quyền con người." Bài viết cũng đã nhắc lại chuyện hai nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Đài và Phạm Hồng Sơn của Việt Nam đã bị ngăn cản gặp các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ hồi cuối tuần qua.

Trang Democracy Digest cũng dẫn lời ông John Sifton, giám đốc vận động phụ trách Châu Á của Human Rights Watch, cho biết  Hà Nội đã bỏ tù ít nhất 40 nhà bất đồng chính kiến từ đầu năm tới nay, bằng cả năm 2012. Ông Sifton nói: "Thực tế là ngày càng có nhiều các nhà bất đồng chính kiến - bao gồm các lãnh đạo tôn giáo, bloggers và những người hoạt động chính trị - bị kết án và bỏ tù vì vi phạm luật hình sự độc đoán của Việt Nam."

Trong khi đó, trước áp lực quốc tế thì Hà Nội luôn khẳng định cho rằng họ "chỉ kết án những người vi phạm pháp luật",  và còn coi việc kêu gọi trả tự do cho những người bị kết án là "can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét