Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Chuyện kể của người mua ve chai, đồng nát


  
Câu chuyện ly tán của gia đình ông Huấn và nỗi thống khổ của một kiếp người lang thang kiếm cơm từ nơi này đến nơi khác nhưng vẫn giữ khí khái của một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Đây không phải là một điển hình nỗi đau thân phận Việt Nam, mà là một chút ánh sáng, một ngọn lửa tinh thần cho những ai sống dưới bàn tay độc tài, gian ác cộng sản. Một thứ chủ nghĩa vô thần và mất nhân tính từ trong trứng nước, đẩy nhân loại vào nỗi đau phân ly, chết chóc…! Chuyên mục Góc Khuất Cuộc Đời tuần này gởi đến quý thính giả “Chuyện Kể Của Người Mua Ve Chai Đồng Nát” qua giọng đọc Hướng Dương để tiếp nối chương trình tối nay.
Ông có vợ và ba đứa con, mỗi đứa mỗi nơi, trước 1975, ông là một người lính thuộc binh chủng Dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau 1975, gia đình tứ tán, nhiều lần vượt biên nhưng không thành, rày đây mai đó, trốn từ miền Trung vào miền Nam, thay tên đổi họ. Như ông nói, cuộc đời ông gắn liền với hai chữ: trốn chạy. Năm 1955, ông theo cha mẹ trốn chạy vào miền Nam để tránh bàn tay đấu tố, giết tróc của Cộng sản Bắc Việt, vào Nam, gia đình ông trôi dạt kiếm chén cơm qua ngày từ Phương Lâm, Định Quán về Đà Nẵng, rồi ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tưởng được yên lành, nhưng chẳng bao lâu, ông lại phải trốn chạy một lần nữa để tránh các nhà tù cải tạo. Cái vòng lẩn quẩn ám vào ông, từ Bắc vào Trung, từ Trung vào Nam, rồi từ Nam trở về Trung, cuối cùng, tuổi già bóng xế lại lang thang mua ve chai kiếm sống qua ngày giữa miền Nam đất chật người đông.
Mỗi ngày, ông lang thang từ khu nhà trọ ra khắp các con phố ở Bình Dương trên chiếc xe đạp cà tàng mà theo ông nói, chiếc xe này cũng không phải của ông mua, thấy ông đi bộ vát bao tải ve chai tội nghiệp, ông chủ nhà trọ tặng ông chiếc xe mà ông ta định bán đồng nát. Nhờ nó, ông đi xa hơn một chút để kiếm cơm với mỗi ngày từ ba chục đến bốn chục ngàn đồng. Ông kể rằng có nhiều ngày ông cứ đạp xe đi mãi, vừa đi vừa rao "ai bán ve chai, đồng nát không!" như vậy từ con hẻm này sang con đường khác, rao mà chẳng nghe chung quanh mình đang diễn ra chuyện gì, có ai gọi mình để bán ve chai hay không. Mỗi năm, cứ đến tháng Tư về, tâm trí ông lại đảo lộn lên, mọi ký ức buồn, mọi nỗi hoang mang và cảm giác trốn chạy như vẫn còn đâu đó trong ông, ông đạp xe trốn chạy chính mình, đạp từ khu công nghiệp Sóng Thần đạp mãi lên tận thành phố Thủ Dầu Một cách đó sáu chục cây số. Đạp xong rồi lại quay về, bụng đói, túi rỗng vì suốt ngày đi rao mà chẳng có chút gì bỏ vào bụng. Sáng sớm ra đi, chạng vạng quay về.
Ngày mai lại tiếp tục đi để kiếm tiền mà trả cho chủ nhà. Căn phòng ông ở cũng khá đặc biệt, nó vốn là cái góc chuồng gà bỏ đi, ông đi tìm phòng thuê, thấy phòng nào cũng có giá bảy trăm ngàn, tám trăm ngàn đồng mỗi tháng, không tài nào thuê nổi. Ngủ bụi ngủ bờ, ngủ nhờ nhà bạn bè xưa bằng cách tới thăm người này vài bữa, người kia vài bữa, cuối cùng, cũng không xong, tình cờ, ông nhìn thấy cái chuồng gà bỏ hoang, đến thương lượng và thuê, chủ nhà đồng ý xây lại tươm tất một chút để cho ông thuê với giá 350 ngàn đồng mỗi tháng, từ đó, ông có chốn nương thân.
Trở lại chuyện gia đình ông, từ khi ông trốn chạy vào miền Nam để thoát bàn tay bắt bớ và tù cải tạo, ông làm thuê đủ thứ công việc, từ dọn nhà cửa, cắt cỏ, trồng cây, chở nước cơm heo, phụ hồ... Nói chung, tất cả những việc mà thiên hạ chê thì ông nhận làm. Mỗi tháng, ông vẫn duy trì gởi tiền về phụ vợ cho con cái ăn học, có ít gởi ít, có nhiều gởi nhiều, bằng mọi giá vợ chồng ông phải cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Những tưởng cái ước nguyện giản dị đó dễ thực hiện, nghiệt nỗi, con ông trót mang lý lịch có cha làm lính "ngụy", không được thi vào đại học mặc dù họ học rất giỏi. Cuối cùng, mỗi người lại lang thang tứ tán mỗi nơi để làm thuê, ôm nỗi buồn sự học dở dang, rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái. Cứ như thế, cuộc đời ông và gia đình trôi dạt từ nỗi buồn này sang nỗi khổ khác.
Nếu bây giờ, ai đi đến Bình Dương, gặp một người đàn ông 78 tuổi, tên Huân, đạp xe lang thang từ con đường này sang đường khác để mua ve chai, đồng nát, dáng người tiều tụy, mệt mỏi, nhưng mỗi khi có ai gợi nhắc đến hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa thì đôi mắt sáng lên bất ngờ, nói cười huyên thuyên, kể chuyện thời trước 1975 không ngớt, đó chính là ông Huân – một người đàn ông đã trốn chạy, vợ con ông bị tịch thu nhà cửa sau 30 tháng Tư năm 1975, phải tứ tán kiếm cơm qua ngày, đến cuối đời, cha con không được đoàn tụ bởi kinh tế khó khăn, không mảnh đất cắm dùi, không biết đâu là quê hương.
Có thể, câu chuyện của ông Huân, nỗi đau của gia đình ông Huân không phải là đặc biệt gì trong đất nước vốn đầy rẫy nỗi đau và chia ly này. Nhưng, câu chuyện đời ông lại là một điển hình về nghị lực sống, ý chí tồn tại và niềm tin vào công lý, tin vào ngày mai mọi việc sẽ thay đổi và quyết tâm tồn tại, sống đúng nghĩa người Việt Nam. Một người phải tồn tại qua quá nhiều cay đắng lịch sử và thân phận chiến tranh, thân phận của một dân tộc bị phân biệt đối xử, bị nồi da xáo thịt và vết thương vẫn chưa nguôi cho đến tận bây giờ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét