Tháng tư về là thời điểm để nhìn lại những gì được và mất trong cuộc chiến Viêt Nam. Hàng triệu người đã ra đi, nhưng cũng hàng triệu người đã gửi thân xác lại trên quê hương. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi đã gìn giữ thân xác hàng chục ngàn binh sĩ VNCH giờ ra sao? Thông tín viên Tường An ghi nhận qua lời kể của ông Nguyễn Quang Hạnh, Hội VIA-VIG tại Pháp, đã từng nhiều lần về Việt Nam để tu sửa lại các ngôi mội trong Nghĩa trang này.
Khung cảnh hoang tàn
Nằm trên xa lộ Biên Hòa, nay gọi là xa lộ Hà Nội, thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn 25 km là một bãi đất rộng 125 hecta, nơi yên nghỉ ngàn thu của 18.318 binh lính, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa: Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa nơi gìn giữ những gì còn lại của những người lính đã chết cho quê hương. Hơn 30 năm sau ngày 30/4/1975, di tích này đã gần như hoang phế, theo lời của nhiều người kể lại, nhiều cây xà cừ được trồng lên giữa các ngôi mộ, khung cảnh hoang tàn, cỏ dại mọc tràn lan, người dân cất nhà và tăng gia chăn nuôi ngay bên cạnh. Dưới sự quản lý của quân đội, tuy thân nhân có thể vào thăm mộ nhưng nghĩa trang này hàng chục năm không được trùng tu nên đã xuống cấp trầm trọng biến một nơi trang nghiêm thành bãi đất hoang của các linh hồn tử sĩ. Người đến thăm lại nghĩa trang này đã không khỏi ngậm ngùi câu thơ của bà Huyện Thanh Quan “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Tháng 11 năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 1568/QĐ - TTg “chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa địa sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kính tế, xã hội”. Tháng 7/2007, tỉnh Bình Dương chính thức nhận bàn giao khu nghĩa trang xã Dĩ An, nhận sử dụng khu nghĩa trang này "bình thường như các nghĩa địa khác" ở Việt Nam với tên hiện này là Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
Đa số trong đó là mộ bằng đất, sau một thời gian dài nó gần bằng với mặt đất rồi nên chúng tôi chủ yếu là đắp, cố giữ lại những nấm mồ đó.
Nguyễn Quang Hạnh
Kể từ đó, dần dần đã có nhiều người mạnh dạn hơn về thăm lại đồng đội, chiến hữu đã nằm lại trên mảnh đất này, các chương trình tảo mộ hàng năm được bắt đầu thực hiện dưới hình thức thân hữu gia đình tuy nhiên vẫn được thực hiện riêng lẻ để tránh bị chính quyền địa phương làm khó khăn. Một trong những hội đoàn đã bắt đầu thực hiện sớm nhất công việc sửa sang lại các ngôi mộ hoang phế này là hội VIA.VIG (Association D’aide Aux Victimes De Guerre Du VietNam - Hội Bạn của Thương Phế Binh VNCH) ở Pháp do ông Nguyễn Quang Hạnh làm chủ tịch. Là một sĩ quan quân đội cũ, ông cảm thấy đó là trách nhiệm của mình với đồng đội đã nằm xuống. Ông Hạnh cho biết:
“Trước 1975 tôi đã từng đưa anh em quân đội vào đây. Sau 1975 tôi đi tù cải tạo về thì tôi cũng nghĩ đến anh em muốn vào thăm nhưng lúc đó quân đội canh gác nên không thể nào vào. Sau khi tôi ra ngoài này, khi quân đội đã bàn giao nghĩa trang này cho Dĩ An, Bình Dương, lúc đó quân đội rút đi rồi thì chuyện vào nghĩa trang dễ hơn trước. Bắt đầu năm 2006, với tính cách là Hội Từ Thiện của VIA.VIG tôi đã vào đó tu sửa một số mộ phần của anh em.”
Nghĩa trang QĐ VNCH nằm trên một ngọn đồi thấp với diện tích 125 hecta, được chia thành 8 khu từ khu A đến khu I, có thể xây được 30.000 ngôi mộ, tuy nhiên, cho tới thời điểm 30/4/1975 thì chỉ có khoảng 1/3 diện tích được sử dụng cho khoảng 18.000 ngôi mộ, trong đó có 8 vị Tướng của quân lực VNCH đã chôn tại đây. Hội VIA.VIG của ông Hạnh đã bắt đầu trùng tu mộ ở khu G:
“Mộ phần trong đó thì có của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ. Hiện bây giờ thì còn lại 2 mộ của tướng Ánh và tướng Phước, còn mộ của tướng Trí thì đã được gia đình lấy ra rồi. Năm 2006 thì ở khu G, hội chỉ xin xây được 1 bàn bằng đá để người nhà vô để hoa quả, nhang đèn để mà lễ. Tới bây giờ thì tình hình nghĩa trang có sáng sủa hơn, họ cho quét dọn, sửa đường. Gần đây, quận Dĩ An cho nhân viên thực hiện mỗi khu một bàn và trước tượng đài Tử sĩ họ xây một bức tường bằng đá đen và một cái bàn lớn. Họ xây đó để sau này họ vẽ, họ viết cái gì thì chưa biết. Cuối tháng ba tôi vào thì thấy nhân viên đang dọn dẹp, họ trồng cỏ và trồng hoa.”
Cần được tôn trọng
Khởi công vào tháng 11-1967, do kiến trúc sư Lê Văn Mậu phụ trách, Nghĩa trang Quân đội VNCH được phỏng theo mô hình con ong. Từ xa lộ nhìn vào, sừng sững một bức tượng lính ngồi, cao 5 mét đặt trên bệ cao 3 mét, công trình của kiến trúc sư Trần Văn Thu, bức tượng Thương Tiếc này đã bị kéo sụp sau năm 1975. Qua cổng tam quan, là Ðền Tử Sĩ được dựng trên một ngọn đồi thấp. Từ cổng Tam Quan, được chia thành hai lối và chạy vòng khắp khu vực như một vành khăn tang. Giữa cảnh hoang tàn hiện nay, Cổng Tam Quan vẫn giữ được đường nét vững vàng và gần như còn nguyên vẹn dù cỏ mọc, rêu phong. Nghĩa Dũng Đài với cột bằng xi măng cao 43 mét , nay được gọi là đài Tưởng Niệm đã bị cụt mất một đoạn. Các ngôi mộ chưa kịp xây nay đã gần như bị san bằng. Ông Hạnh cho biết:
Chỉ còn lại 1/3 diện tích của nghĩa trang trong đó có mộ. Bây giờ chính quyền đã xây chung quanh một bức tường trên có một hàng rào kẽm gai.
Nguyễn Quang Hạnh
“Đa số trong đó là mộ bằng đất, sau một thời gian dài nó gần bằng với mặt đất rồi nên chúng tôi chủ yếu là đắp, cố giữ lại những nấm mồ đó để sau này có người thân hoặc có chính sách gì cũng còn biết được những ngôi mộ đó để sửa sang lại, đó là cái chính của tôi. Sau hơn 6 năm thì tôi đã thực hiện sửa sang, đắp đất lại, dọn cỏ, dựng lại những bia gãy đổ cũng như là quét vôi lại những mộ trước kia xây bằng xi-măng thì tổng số được 2.642 ngôi mộ, còn xây mới thì được 382 ngôi mộ. Việc làm này đã kéo dài từ 2006 đến bây giờ. Còn việc của anh Nguyễn Đạt Thành bên Mỹ thì mới sau này thôi, nhưng việc làm của anh Nguyễn Đạt Thành có vẻ là quy mô, có vẻ là được sự thỏa thuận giữa hai bênh chính quyền Việt Nam và chính phủ Mỹ.”
Vượt qua những khó khăn ban đầu, ngoài việc trùng tu, sơn phết lại hàng ngàn ngôi mộ, tháng 3 vừa qua ông Hạnh đã thực hiện được ước nguyện là mời các hòa thượng vào làm lễ cầu siêu cho các linh hồn tử sĩ, buổi cầu siêu kéo dài 45 phút:
“Hội thì sau 23 năm làm việc nhân đạo hoạt động trong nước thì chính quyền cũng biết rồi, chúng tôi hoàn toàn làm nhân đạo giúp cho anh em thương phế binh, ngoài ra tu sửa một số mộ của anh em tử sĩ nên khi vào ra đó thì họ cũng quen mặt rồi. Việc hội vào đó làm thì cũng thuận lợi chứ không có gì khó khăn. Trong chuyến về lần này thì tôi có 3 lần được vào nghĩa trang, lần sau cùng thì tôi mời được 2 thầy vào làm lễ cầu siêu. Các thầy đó sanh sau năm 1975 nên cũng chưa biết nghĩa trang này nó hoang phế, lạnh lẽo như thế này. Với tôi thì một buổi lễ cầu siêu tại nghĩa trang như vậy rất là cần thiết.”
Gần đây có những tin đồn chính quyền dự định xây một xa lộ xuyên qua nghĩa trang Biên Hòa, là nơi yên nghỉ của những linh hồn tử sĩ, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Việc này thực hư ra sao? Ông Hạnh cho biết tin mới nhất vừa nhận được:
“Tình hình nghĩa trang thì như tôi đã trình bày, nó chỉ còn lại 1/3 diện tích của nghĩa trang trong đó có mộ. Bây giờ chính quyền đã xây chung quanh một bức tường trên có một hàng rào kẽm gai. Còn những đất cũng thuộc nghĩa trang nhưng chưa có mộ thì họ làm những cơ sở, có trường học nghề. Và gần đây nhất, khoảng 3 hay 4 tháng Tư tôi nghe nói có đội của giao thông vận tải họ đo đạc để mở một con đường từ xa lộ Biên Hòa xuyên qua Bình Dương, mà con đường đó nó băng qua nghĩa trang Quân đội. Nhưng mà sáng nay ngày 23/4, tôi đã nhận được tin ở Việt Nam là cái cọc đó đã được nhổ đi rồi. Tôi cũng đã liên lạc lại với nghĩa trang, thì cái cọc cắm trước kia đã được nhổ đi rồi. Tôi hy vọng việc mở con đường băng qua nghĩa trang Quân đội Biên Hòa sẽ ngưng tại đây. Được như vậy là một điều rất tốt.”
Việc trùng tu lại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa là một công việc khá nhạy cảm khi mà vết thương chiến tranh chưa lành hẳn trong tâm tưởng nhiều người và khu nghĩa trang này vẫn được coi như là một chứng tích của huynh đệ tương tàn mà có người muốn ghi nhớ nhưng cũng có những kẻ muốn quên đi. Tại Hoa Kỳ, hàng triệu người dân đến thăm nghĩa trang Arlington, nơi chôn những người lính đã chết trong chiến tranh Nam Bắc. Với họ là một hành động tri ơn những người đã nằm xuống mà không phân biệt ngôi mộ nào của quân đội miền Bắc hay Nam. Ông Hạnh quan niệm:
“Cuộc chiến đã khép lại gần 40 năm rồi mà mộ phần của các anh em tử sĩ miền Nam vẫn còn như vậy. Bây giờ nghe nói có 1 nghĩa trang của Trung Quốc tại Bình Dương, phía Bắc thì có nghĩa trang của quân đội Tàu đánh ở miền Bắc, vẫn có nghĩa trang đàng hoàng thì tại sao những anh em miền Bắc, miền Nam của mình, mộ phần để như vậy thì mình thấy là đạo làm người không thể để như vậy. Mà nếu mình là thế hệ đi trước làm thiếu sót thì thế hệ sau sẽ nghĩ gì về mình. Cuộc chiến Nam Bắc của Mỹ cũng đã xếp lại hay là như bên Đông Đức -Tây Đức, họ xếp lại xong thì tình nghĩa đồng bào, anh em cần phải hoá giải, phải trả lại sự công bằng cho những người đã nằm xuống vì Tổ Quốc.”
Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 đã mang theo hơn 1 triệu sinh mạng binh lính của cả hai miền Nam và Bắc. Chiến thắng dù có thuộc về ai thì người dân vẫn chịu phần mất mát. Để có thể quên đi những vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước, nhiều người cho rằng việc xây dựng lại nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là một trong những bước cần thực hiện đầu tiên trước khi có thể nói đến chuyên hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, cố Trung tá Không quân VNCH Nguyễn Phúc Tửng, khi còn sinh thời tại Pháp trả lời đài BBC:
“Chỉ trùng tu nghĩa trang Biên Hòa mà thôi chưa bù đắp nổi các mất mát của các chiến binh cộng hòa. Tôi muốn tất cả những người chiến sĩ miền Nam cũng như miền Bắc phải được tôn trọng, vinh danh như nhau.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét