Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Yêu cầu ĐBQH quan tâm đến những vấn đề cấp thiết trong Kiến nghị 72


Nhóm Kiến Nghị 72


 
15 người đại diện trao bản Kiến nghị 72 cho đại diện
"Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992" hôm 4-2-2013
THÔNG BÁO CỦA NHÓM SOẠN THẢO VÀ KÝ KIẾN NGHỊ 72 VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Dưới đây là thư của nhóm soạn thảo và kýKiến nghị ngày 19-1-2013 về sửa đổi Hiến pháp (thường gọi tắt là Kiến nghị 72) đã gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ riêng của từng đại biểu Quốc hội khóa 13 từ ngày 16 tháng 4 năm 2013. Chúng tôi xin đề nghị quý vị đã đồng tình và hưởng ứng Kiến nghị 72, với tư cách cử tri, hãy yêu cầu các đại biểu Quốc hội mà mình đã bầu quan tâm đến những vấn đề cấp thiết được đề cập trong Kiến nghị 72 và trong thư nói trên, để góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng một Hiến pháp phù hợp với ý chí của nhân dân.
 *
Hà Nội ngày 16 tháng 4 năm 2013
Kính gửi các vị Đại biểu Quốc hội khoá XIII

Chúng tôi thay mặt những người đã ký Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin gửi tới quý vị, các thành viên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta, lời chào trân trọng với niềm tin rằng những ý kiến dưới đây của chúng tôi sẽ được quý vị lưu tâm.

1. Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có chữ ký trực tiếp của 72 người (dưới đây gọi tắt là KN72, xin gửi kèm thư này như một phụ lục), được công bố ngày 19 tháng 1 năm 2013 và chính thức trao trực tiếp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào ngày 4 tháng 2 năm 2013. KN 72 đã đề cập thẳng thắn một số vấn đề cốt lõi về đổi mới thể chế chính trị cần được thảo luận rộng rãi, công khai và dân chủ, để góp phần tạo đồng thuận xã hội và đoàn kết dân tộc về một bản Hiến pháp khả dĩ đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo vệ đất nước, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Như vậy, KN 72 hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó nêu rõ“Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Bản KN72 được nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có hơn 14 nghìn người tính đến nay đã đăng ký ghi tên tán thành. Tuy nhiên, KN72 đã không được Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp công bố sau khi tiếp nhận, cũng không được các phương tiện truyền thông của Nhà nước phổ biến để mọi người có thể tham khảo và tham gia thảo luận. Trong khi không đăng tải nội dung cụ thể của kiến nghị, một số đài báo lại đưa ra những bình luận mang tính quy chụp, không đúng với tinh thần góp ý xây dựng của KN72. Không chỉ kiến nghị của chúng tôi, mà nhiều ý kiến đóng góp khác của nhân dân không phù hợp với Dự thảo do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố cũng bị cư xử tương tự. Điều đó trái với Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, trong đó quy định rõ: Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân .

Ngoài việc đưa tin và bình luận một chiều, thiếu minh bạch, cách tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp đang được tiến hành mang nặng tính hình thức, áp đặt thiếu dân chủ và quá tốn kém khiến cho dư luận xã hội tiến bộ bất bình, hoài nghi chính quyền về thái độ tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và về sự nghiêm túc trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị quý Đại biểu can thiệp một cách có hiệu quả và đề xuất Quốc hội triển khai những biện pháp thiết thực, kịp thời để chấn chỉnh tình trạng hình thức, mất dân chủ, thiếu trung thực… trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân.

Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng đối thoại công khai trên mọi diễn đàn trong cả nước, cùng nhau tìm ra phương án tối ưu cho một bản Hiến pháp mới, thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước.

2. Quyền lập hiến nhất quyết phải là của toàn dân. Vì vậy, một lần nữa chúng tôi kiến nghị Hiến pháp cần quy định:“Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu ý dân được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới”. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân không thể thay thế cho việc trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là để nhân dân được lựa chọn và quyết định bằng phiếu kín những điều dân muốn. Còn lấy ý kiến đóng góp của dân như cách làm hiện nay thì kết quả bị phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tổ chức đứng ra lấy ý kiến.

Trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp lần này, những vấn đề cốt lõi còn có ý kiến khác nhau, như một số vấn đề đã được nêu trong KN72, cần được đưa ra để nhân dân lựa chọn bằng phiếu kín, tương tự như trong các cuộc bỏ phiếu phổ thông được tổ chức theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu quý Đại biểu và toàn thể Quốc hội sớm quyết định việc sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp để có thời gian chuẩn bị công việc hệ trọng này lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Điều đó sẽ tỏ rõ ý chí của Quốc hội trong việc thực hiện quyền làm chủ của dân, động viên được đồng bào trong và ngoài nước tham gia tích cực và thiết thực hơn vào việc xây dựng Hiến pháp của nước ta.

Xin trân trọng cám ơn.

 (Gồm 15 người đã đến trao KN72 trực tiếp cho 
UBDTSĐHP1992 ngày 4 tháng 2 năm 2013)
1. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội 
2. Phan Hồng Giang, TSKH, nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội 
3. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM, TP HCM 
4. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên thành viên Viện IDS, Giám đốc NXB Tri thức, Hà Nội
5. Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
6. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM 
7. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội 
8. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó chủ tịch LH các Hội KH&KT Việt Nam, Hà Nội 
9. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội 
10. Huỳnh Tấn Mẫm, BS, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, TP HCM 
11. Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
12. Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học, Hà Nội
 13. Nguyễn Minh Thuyết, GSTS, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hà Nội
 14. Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
 15. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét