Phiên tòa phúc thẩm sắp tới xét xử tám nhà đấu tranh nhân quyền Hide Player | Play in Popup | Download
Ngày 24 tháng 4 năm 2013 vào 7 giờ sáng, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra để xử các ông Hồ Đức Hòa, Thái Văn Dung, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Xuân Anh, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương, Hồ Văn Oanh và Nguyễn Văn Duyệt tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Các nhà đấu tranh nhân quyền nêu trên thuộc nhóm 17 nhà tranh đấu nhân quyền bị bắt trong thời gian 30 tháng 7 đến ngày 16 tháng 8 năm 2011.
Họ đều là thành viên của Dòng Chúa Cứu Thế, và là những người tham gia tích cực trong việc vận động và bảo vệ những quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa tại Việt Nam. Trong số người bị bắt đã có 14 người bị tuyên những bản án từ 3 đến 13 năm tù trong một phiên tòa diễn ra vào tháng Giêng vừa qua. Họ đã bị giam giữ và bị đem ra xử theo Điều 79 và 88 Bộ luật hình sự về tội ‘lật đổ chính quyền’ và ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.
Ông Đặng Xuân Diệu, một trong những người bị tuyên án vào tháng Giêng năm 2013 với bản án 13 năm tù giam đã không được kháng án. Ông đã viết đơn yêu cầu điều tra lại và mở phiên xử mới, tuy nhiên ông đã bị từ chối vì đơn được nộp sau thời hạn quy định là 15 ngày. Nhà đấu tranh nhân quyền này đã bị từ khước quyền thăm viếng và không được tham khảo với luật sư, và vì vậy mà có thể ông đã không kịp nộp đơn kháng án.
Các luật sư của tám nhà đấu tranh nhân quyền cho biết các thân chủ của họ đã phải đối diện với những hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt. Các ông Paulus Lê Sơn, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương và Hồ Văn Oanh đã bị giữ trong những phòng giam không có điện. Họ cũng chỉ được cung cấp thức ăn và nước uống giới hạn, đôi khi thực phẩm cũ thấy rõ. Paulus Lê Sơn không được uống thuốc và không có sách báo, giấy viết. Ông chỉ được có quyển Kinh Thánh sau ba ngày tuyệt thực để phản đối. Trần Minh Nhật được tin là bị một tù nhân khác hành hung cách đây hai tháng.
Tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động nhân quyền Front Line Defenders, có trụ sở tại Dublin, Ireland một lần nữa kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam hủy bỏ những bản án đối với các nhà đấu tranh nêu trên và thả họ ngay lập tức và vô điều kiện.
Sinh viên Phương Uyên phản đối nội dung bản cáo trạng
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị công an Long An tạm giam đến nay gần 6 tháng.
Hiện nay Viện kiểm sát tỉnh Long An đã có bản cáo trạng đối với sinh viên tên Nguyễn Phương Uyên, theo đó Phương Uyên vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự CS Việt Nam về tội tuyên truyền chống Nhà nước” (theo VOV).
Tuy nhiên, Phương Uyên cho thân nhân biết rằng cô không đồng ý 2 điểm quan trọng sau khi được xem bản cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Long An.
1. Bản cáo trạng quy chụp Phương Uyên nhận tiền nước ngoài 100 USD để mua máy ảnh phục vụ cho việc rải truyền đơn. Bản cáo trạng, chắc chắn chỉ dựa trên kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An hoàn toàn không nói rõ số tiền đó là của ai. Theo Phương Uyên cho biết, một người bạn học cũ của Uyên thời tiểu học tên Hạnh, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ đã có ý định tặng Phương Uyên nhân dịp sinh nhật một máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên nếu mua máy ảnh ở Hoa Kỳ gửi về khá nhiêu khê nên Hạnh đã gửi cho Phương Uyên 100 USD để mua máy ảnh. Thế nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An và Viện kiểm sát tỉnh Long An đã cố tình không ghi rõ rằng số tiền 100 USD này là của ai mà chỉ ghi chung chung là “từ nước ngoài”. Đây có thể là điều mà tòa án sẽ dùng để kết tội Phương Uyên đã nhận trợ giúp từ “nước ngoài” để thực hiện việc rải truyền đơn. Trong thực tế Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An không thu thập được bằng chứng gì để kết tội Phương Uyên vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự cả.
2. Bản cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Long An đã che giấu sự thật khi không nói rõ nội dung Phương Uyên viết trên miếng vải là “Tàu khựa hãy cút khỏi Biển Đông”. Bản cáo trạng chỉ viết rằng Phương Uyên “đã viết một số nội dung không hay về Trung Quốc”. Sinh viên Phương Uyên bức xúc: tại sao họ (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An và Viện kiểm sát tỉnh Long An) không ghi nhận việc chống Trung Quốc của con?
Hiện nay theo thông tin trên báo đảng cộng sản thì Phương Uyên đã “nhận tội”. Nhưng ai cũng hiểu hoàn cảnh mà Phương Uyên “nhận tội”: hoàn toàn không có tự do. Đúng hơn, Phương Uyên đã thừa nhận những việc mình làm là có thật nhưng nhằm mục đích chống Trung Quốc xâm lược và có thể chống đảng. Nhưng với những hành vi đó, không thể cho rằng Phương Uyên vi phạm Điều 88 Bộ luật hình sự. Vì Điều 88 Bộ luật hình sự quy định như sau: “
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.“
Những việc làm của sinh viên Phương Uyên không hề chống nhà nước hay chống đất nước Việt Nam này. Còn nếu có chống đảng thì không vi phạm pháp luật, vì đảng chỉ là một tổ chức cầm quyền, không phải là dân tộc và đất nước Việt Nam.
Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng từ gia đình, sinh viên Đinh Nguyên Kha, người bị bắt cùng vụ án với Phương Uyên, mới đây đã bị truy tố theo Điều 84 Bộ luật hình sự với tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên Bộ luật hình sự quy định về tội danh này như sau:
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
Những hành vi của Đinh Nguyên Kha không thuộc bất cứ trường hợp nào trong 4 khoản trên, không hiểu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An lấy đâu ra chứng cứ để quy chụp Kha?
Dư luận trong nước và quốc tế đang quan tâm đặc biệt trường hợp của hai sinh viên này, vì có dấu hiệu lạm dụng quyền lực của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An theo lệnh từ trung ương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét