Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Sống thật không sống giả (Phần 2)


Ngô Nhân Dụng
Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết nhan đề “sống thực, không sống giả” của tác giả Ngô Nhân Dụng, được gửi đến quý vị trong mục bình luận vừa qua đã tóm lược tình trạng hai nền văn hóa giả và thực ở các quốc gia Đông Âu trước khi các chế độ cộng sản ở những nước đó xụp đổ. Tình trạng hai nền văn hóa giả – thực này cũng đang diễn ra tại Việt Nam: Một cuộc sống dối trá ở chỗ công khai,  một cuộc sống thật khi quay về với chính mình. Trong hoàn cảnh đó người dân cần phải làm gì để nền văn hóa thực có chỗ đứng công khai đàng hoàng trong xã hội? Mời quý vị nghe sau đây phần hai bài viết của tác giả Ngô Nhân Dụng bàn về vấn đề này.
********************
Năm 1975, ông Havel đã báo động với lãnh tụ cộng sản Husák rằng tình trạng “phân biệt chính trị” của chế độ đang gây ra một hậu quả là người dân Tiệp Khắc sẽ bị “phi chính trị hóa,” không còn ai quan tâm đến xã hội chung quanh mình nữa. Ở nước ta hiện nay chủ nghĩa “Mặc Kệ” cũng đang tràn ngập. Chế độ kinh tế tư bản rừng rú mở cửa cho lòng tham và óc hưởng thụ nổ bùng. Nhưng không thiết lập được những định chế để kiềm chế các hành động gian manh do lòng tham thúc đẩy. Nền văn hóa sống giả làm cho cả xã hội suy đồi. Ðến nỗi có nhà tư bản đỏ bỏ hàng tỷ đồng trùng giúp tu chùa chiền cho thật hào nhoáng, để đưa hình ảnh vợ con, gia đình mình vào đặt ngang với bàn thờ.
 
Nhưng trong “nền văn hóa sống thật” vẫn có những mạng lưới của giới trí thức, giới sinh viên, các nhà vận động dân chủ. Họ dám nói thẳng: Sống như thế này không thể chấp nhận được. Phải thay đổi, và thay đổi toàn diện.

Bên cạnh cuộc sống thật đó, xã hội vẫn may mắn vẫn còn các đoàn thể tôn giáo, những nhóm tư nhân, nghề nghiệp, đang tự tổ chức để hoạt động trong các phạm vi thuần túy tôn giáo, xã hội, khoa học, nghệ thuật, bên ngoài tầm kiểm soát của đảng. Họ đang xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân tương lai, khi quyền hội họp tự do được chính thức công nhận. Ngoài ra cũng có những ý kiến lâu lâu xuất hiện trên báo chí công khai, chỉ mới dám vận động xin đảng Cộng sản nới lỏng một chút tự do cho họ được phép góp ý kiến một cách ôn hòa. Những hoạt động và các tiếng nói nhỏ đó giúp cho cuộc sống đẹp hơn. Nhưng chính họ vẫn phải chấp nhận chỉ đóng vai trò của mình, thu hẹp trong cả tấn tuồng giả dối do đảng Cộng sản đạo diễn.
Bây giờ là lúc người Việt Nam phải nói với nhau: Chúng ta quyết định không sống giả nữa. Nhiều người đã hành động như vậy. Thí dụ, ngay trong tấn tuồng “sửa hiến pháp” đang diễn ra. Trong nền văn hóa sống giả, đảng Cộng sản đang loan báo bao nhiêu tổ dân phố trên toàn quốc đã bầy tỏ ý kiến ủng hộ dự thảo tu chính hiến pháp của cái gọi là “quốc hội.” Cả bộ máy truyền thông của đảng loan tin hơn 50, 60 triệu người dân đã hoan nghênh bản dự thảo gia tăng quyền hành cho đảng. Nhưng trong nền văn hóa sống thật, đã có những nhóm như 72 nhà trí thức, có cả hội đồng giám mục, lên tiếng đòi bác bỏ điều 4, bãi bỏ các điều khoản phản dân chủ. Không phải chỉ có một Giáo hội Phật giáo Thống nhất dám nói công khai là phải xóa hẳn bản hiến pháp độc quyền chuyên chế, mà có cả những cá nhân cũng nói thẳng phải xóa đi làm lại, từ một nhà báo trẻ tuổi như Nguyễn Ðắc Kiên tới một đảng viên cộng sản lão thành như ông Lê Hồng Hà. Họ là những người đã quyết định phải sống thật.

Sửa Hiến pháp không phải là trò hề duy nhất trong cả cuộc sống giả dối từ hơn nửa thế kỷ nay vẫn còn đang diễn ra. Người Việt Nam đang hàng ngày phải sống với tấn tuồng giả dối khổng lồ. Sẽ đến lúc người ta phải tự thấy xấu hổ khi soi gương nhìn thẳng vào mặt mình.

Bởi vì trong nền văn hóa sống giả còn cả những vụ giết người nữa. Thử coi lại câu chuyện những người dân khỏe mạnh bỗng nhiên chết trong đồn công an. Năm 2011 có một công nhân ở khu công nghệ Shinec tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Rồi tới một thanh niên “bị tạm giam” tại Công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Năm 2013 là cảnh một ông xã Phúc Thành, huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương bị bắt, ngày hôm sau thì công an báo cho gia đình biết là ông ta “thắt cổ bằng sợi dây điện” tự ải. Rồi một ông chết ở đồn công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Ðắc Nông; họ bảo là ông ta “tự đút tay vào ổ điện rồi ông ấy giật điện, tự tử” mặc dù trên đầu nạn nhân chảy máu, thân thể nhiều vết tích bầm tím. Chúng tôi không nhắc đến tên quý vị trên vì lòng kính trọng các người đã khuất. Nhưng tại sao nhiều người Việt Nam lại chọn đồn công an làm chỗ chết hay chỗ tự vẫn như vậy? Nói dối đến thế thì còn ai tin được hay không?

Chúng ta phải sống giả dối mãi như thế bao lâu nữa? Bao nhiêu mạng người chết oan uổng nữa thì tấn tuồng giả trá mới chấm dứt? Hãy nhớ những lời chân thành của Václav Havel, của Aleksandr Solzhenitsyn. Cần sống thật. Không thể tiếp tục sống giả dối. Nghĩ đến tổ tiên, đến con cháu, ai cũng phải quyết định như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét