Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Quốc Tổ Hùng Vương, biểu tượng cho cội nguồn dân tộc Việt


Dù ai đi ngược, về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười, tháng ba.
Khắp miền, truyền mãi câu ca,
Nước non, vẫn nước non nhà ngàn năm.
Trải qua mấy ngàn năm, lễ giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ đã ăn sâu vào tiềm thức con dân nước Việt. Hằng năm, người Việt trong và ngoài nước đều tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ và tri ân những người đã có công dựng nước và giữ nước.
Truyền thuyết
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên viết rằng: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam-Bắc. Thủy Tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".
Lại chép về họ Hồng Bàng như sau: "Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi sau Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quí, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc. Lại phong cho Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỉ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân".
"Lĩnh Nam chích quái" thời Trần viết rằng: "Âu Cơ kết hôn với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương".
Xã hội Văn Lang dưới thời các vua Hùng
Đứng đầu nước Văn Lang là các thủ lãnh, được biết đến với tôn hiệu Hùng Vương. Hùng Vương là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương có các Lạc tướng, Lạc hầu giúp việc. Cả nước chia thành 15 bộ, có Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Dưới nữa là các Bố chính, đứng đầu các làng bản. Kinh đô của nước Văn Lang được cho là đặt ở Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
Người dân nước Văn Lang sinh sống bằng nghề săn bắt, chăn nuôi, đánh cá và làm thủ công như đúc đồng, làm đồ gốm. Sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp đã xuất hiện thời đó.
Xã hội thời kỳ này dựa trên ba nền tảng: nhà, làng, nước. Vì thế cho nên từ thời xưa, người Việt đã xem quốc gia - dân tộc như là một gia đình lớn. Gia đình đều có cha mẹ, ông bà, thì đất nước có cha Rồng, mẹ Tiên, hình thành ý thức hướng về cội nguồn.
Tại Việt Nam, việc ghi chép lịch sử và phong tục thờ cúng vua Hùng xuất hiện muộn, nhưng trong tâm thức người dân thì điều đó được thể hiện qua những huyền thoại, truyền thuyết, phong tục và tập quán.
Vì thế Quốc Tổ Hùng Vương được lưu truyền trong dân gian và cổ sử.
Trong truyền thuyết dân gian, đó là truyện về Họ Hồng Bàng, đức Lạc Long Quân và bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, nở thành trăm người con, con cả ở tại Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Về sau, các truyền thuyết đều được ghi lại trong "Việt điện U linh" của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV), "Lĩnh Nam chích quái" của Trần Thế Pháp (thế kỷ XV).
Và thư tịch viết về Hùng Vương cũng xuất hiện khá muộn. Tài liệu lịch sử nhắc đến Hùng Vương là bộ "Việt Sử lược" (viết vào khoảng thế kỷ XV), sau này sách "Toàn Thư" thời nhà Thanh trích dẫn: "Thời Chu Trang Vương (khoảng thế kỷ IX trước công nguyên) ở vùng Giang Ninh có một dị nhân có khả năng dùng phép thuật thần kỳ để thần phục các bộ lạc ở đó và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang và đặt quốc hiệu là nước Văn Lang, biết cách ghi chép sự kiện bằng cách thắt các nút dây thừng và biết làm chính trị, truyền được 18 đời tự gọi là Hùng Vương".
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho lập "Ngọc phả Hùng Vương", coi đó là vua thủy tổ của dân tộc, đến thời Ngô Sĩ Liên, ông đưa truyện Quốc Tổ Hùng Vương vào chính sử, mục truyện họ Hồng Bàng, phần ngoại kỷ.
Mãi đến thế kỷ XV thời nhà Lê, thì Quốc Tổ Hùng Vương mới được chính thức hóa trên phương diện lịch sử và hằng năm đều tổ chức lễ giỗ. Từ đó, trải qua thời Tây Sơn, nhà Nguyễn, cũng như thời cận đại, dù ở miền Bắc hay miền Nam, người Việt Nam đều quan tâm đến việc thờ phượng Quốc Tổ Hùng Vương.
Tư tưởng cội nguồn, ý thức dân tộc tự chủ được thể hiện ngay trong đôi câu đối trước cổng đền Hùng: "Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn quy bản tích. Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn".
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối. Lên cao nhìn khắp, trùng trùng đồi núi cháu con đông).
Mười tám đời Hùng Vương
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương năm 2879 trước Công Nguyên (TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2622 năm. Nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (An Dương Vương) thôn tính. Các đời vua Hùng được sử sách ghi lại như sau:
-Hùng Dương (Lộc Tục): 2879 - 2794 TCN.
-Hùng Hiền (Lạc Long Quân): 2793 - 2525 TCN.
-Hùng Lân: 2524 - 2253 TCN.
-Hùng Việp: 2252 - 1913 TCN.
-Hùng Hy (trước): 1912 - 1713 TCN.
-Hùng Huy: 1712 - 1632 TCN.
-Hùng Chiêu: 1631 - 1432 TCN.
-Hùng Vỹ: 1431 - 1332 TCN.
-Hùng Định: 1331 - 1252 TCN.
-Hùng Hy (sau) cùng âm "Hy", nhưng chữ viết khác nhau: 1251 - 1162 TCN.
-Hùng Trinh: 1161 - 1055 TCN.
-Hùng Võ: 1054 - 969 TCN.
-Hùng Việt: 968 - 854 TCN.
-Hùng Anh: 853 - 755 TCN.
-Hùng Triều: 754 - 661 TCN.
-Hùng Tạo: 660 - 569 TCN.
-Hùng Nghị: 568 - 409 TCN.
-Hùng Duệ: 408 - 258 TCN.
Đền Hùng
Đền thờ vua Hùng, còn được gọi là Đền Hùng Vương tại Phú Thọ, miền Bắc. Tại miền Nam được gọi là Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, là một trong những nơi thờ phượng vua Hùng lâu đời tại Sài Gòn, tọa lạc tại số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1. Mỗi năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nơi đây đều tổ chức lễ giỗ trọng thể, ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

Đền thờ này có lối kiến trúc gần giống như các đền ở Huế, với ba mái cong, chia làm ba bậc, trang trí hình rồng và phượng. Các bậc đá lên xuống, các cửa, hai bên đều có đôi rồng chầu.
Trong đền, trên các bao lơn xung quanh, có chạm khắc các hình: hạc, lân, qui, phượng rất tinh xảo và đều được sơn màu đỏ. Các lỗ thông gió xung quanh cũng được chạm khắc. Mái Đền nằm trên 12 trụ gỗ mật màu đen bóng, đường kính khoảng 50 phân, tượng trưng cho thập nhị địa chi, theo phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn. Ở chánh điện đặt ngai thờ vua Hùng. Nơi đây còn có bài vị thờ tổ tiên, bách tính, lương thần và danh tướng.
Trước bàn thờ có bộ binh khí bát bửu, chiêng trống. Xung quanh đền có các hộp hình, tranh ảnh giới thiệu khái quát thời đại nguyên thủy và thời đại các vua Hùng về nhiều lãnh vực: trồng trọt, săn bắn, đánh cá và các nghề như: đúc đồng, dệt vải, sản xuất đồ gốm, chế tạo vũ khí...
Ngoài Đền, phía bên phải có đặt một tượng voi bằng đồng lớn nhất Việt Nam, nặng hơn ba tấn, cách tạo hình và nét chạm khắc rất mỹ thuật, tiêu biểu cho nền thủ công tinh xảo của vương quốc Thái Lan. Voi được đặt trên bệ làm bằng xi măng hình khối chữ nhật. Bốn mặt bệ, có gắn bốn biển đồng lớn cũng hình chữ nhật. Cả bốn biển đều có khắc dòng chữ lưu niệm giống như nhau, bằng bốn thứ tiếng: Việt, Thái, Anh, Pháp. Bản tiếng Việt ghi: "Hoàng đế Xiêm La, Paramindr Maha Prajadhipok kính tặng nhân dịp qua nước Indochine lần đầu, ghé Sài Gòn ngày 14 tháng 4 năm 1930".
Di sản Văn hóa và Biểu tượng Thiêng liêng
Vào ngày 6 tháng 12 năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7 ở Paris, Pháp, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định công nhận đền Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa Thế giới.
Đối với người Việt Nam, Quốc tổ Hùng Vương chính là biểu tượng của cội nguồn dân tộc, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại, cần phải gìn giữ và tôn vinh. Biểu tượng này là chỗ dựa tinh thần của dân tộc trước sự đe dọa xâm lược của thế lực phương Bắc suốt mấy ngàn năm qua.
Tiền nhân thường dạy con cháu "công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy" với mục đích khuyên nhủ con cháu phải tưởng nhớ ân nghĩa của những người đã giúp mình nên người. Và truyền thống lễ giỗ chính là hình thức bày tỏ tấm lòng tri ân tổ tiên, những anh hùng dân tộc và ông bà cha mẹ, những người đã dầy công tạo lập ra đất nước và duy trì sự sinh tồn cho dân tộc.
Trong ý nghĩa đó, việc Giỗ Tổ Hùng Vương phải được xem là một buổi lễ quan trọng và thiêng liêng hơn bất cứ các lễ giỗ khác. Chính vì thế, không có gì vô lý cho bằng việc xem trọng những buỗi lễ về tôn giáo như lễ Phật Đản hay Giáng Sinh nhưng lại thờ ơ về ngày giỗ Quốc Tổ, các đấng Minh quân, Văn thần, Võ thánh đã đổ xương máu để hình thành một dân tộc quật cường và bất khuất.
Các bậc Tiền nhân luôn dặn dò chính mình và con cháu đừng quên cội nguồn của dân tộc Việt qua những câu ca dao mộc mạc, được trích dẫn ở đầu bài. Và chính những lời mộc mạc ấy đã hun đúc nên tinh thần quật cường của dân tộc, trải dài mấy ngàn năm với biết bao thịnh suy, thăng trầm trong các cuộc chiến chống giặc phương Bắc. Biết bao thế hệ, anh hùng dân tộc đã anh dũng nằm xuống vì sự tồn vong của nòi giống Tiên Rồng.
Trong bối cảnh hiện nay, tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam rõ ràng đã quên mất câu nói của đức Trần Nhân Tông là "nhất quyết không để một tấc đất hay một gốc cây ngọn cỏ rơi vào tay ngoại bang". Thế nhưng, nước Việt vẫn còn rất nhiều con dân ghi nhớ những lời dạy dỗ của tiền nhân để cùng nhau xuống đường khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, bất chấp sự trấn áp tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt – Tàu. Trong trái tim của những công dân ấy, lòng yêu nước thương nòi đang hừng hực cháy và sẽ biến thành cơn bão lửa thiêu cháy những ai đã và đang bán nước và cướp nước.
Sẽ không có lá cờ nào hay biểu tượng nào rực rỡ và đẹp đẽ hơn biểu tượng Quốc Tổ Hùng Vương để hàn gắn được những đổ vỡ, ly tán và mất mát trong lòng dân tộc. Đó là ý nghĩa và thông điệp thiêng liêng mà tiền nhân Việt đã cố gắng duy trì và giao truyền lại cho con cháu.
Hãy biến ngày giỗ Quốc Tổ thành một ngày hội lớn của toàn dân tộc, nhằm thể hiện tinh thần quật cường của một dân tộc đã từng "phá Tống, diệt Mông, đuổi Minh và thắng Thanh". Nếu vẫn giữ được tinh thần này thì sẽ có một ngày, dân tộc sẽ thu hồi lại được những lãnh thổ và lãnh hải mà tập đoàn cộng sản Việt Nam đã dâng hiến cho Đại Hán!
Xin hãy cùng nhau tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để nêu gương tốt cho thế hệ mai sau.
Việt Thái
(Viết cho ngày Giỗ Tổ, Việt lịch năm thứ 4892)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét